Thay đổi tương lai chỉ trong cuộc nói chuyện
Đối với rất nhiều ứng viên, bước vào trường đại học VinUni không chỉ là hành trình khám phá một môi trường mới mà đó chính là bước ngoặt của cả cuộc đời. Tuệ Nhi là một nữ sinh tiêu biểu cho sự trưởng thành toàn diện như thế.
Tự tin quyết liệt, Tuệ Nhi tham dự vòng phỏng vấn với lá đơn chỉ có duy nhất nguyện vọng - ngành Quản trị Kinh doanh. Những năm tháng cấp 3 gắn liền với những cuộc thi kinh doanh, từ Teen Entrepreneur cho đến International Trade Challenge, Nhi nghĩ đây là ngành hợp nhất với mình.
Tuy nhiên, Hội đồng tuyển sinh VinUni đã nhận thấy ở Tuệ Nhi một tố chất khác, khi nghe bài luận nhắc tới vấn đề mất cân bằng giới tính trong ngành IT của cựu nữ sinh THPT Chuyên Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội). Vốn ngoại ngữ học thuật của Nhi, hay các giải thưởng hàng đầu trong cuộc thi lập trình web như Techkids Hackathon, lại càng xác định quan điểm của các nhà tuyển sinh ở VinUni dìu dắt em theo một hướng đi khác.
Nhận thấy những tố chất đặc biệt phù hợp với ngành công nghệ của nữ sinh, Hội đồng tuyển sinh VinUni đã đặc cách cho Nhi tham gia một vòng phỏng vấn khác với giáo sư Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính để thử tìm kiếm ngọn lửa đam mê ẩn sâu trong tâm trí cô gái trẻ.
Chia sẻ về quyết định “ngoài quy trình” trên, bà Amita Verma, Giám đốc tuyển sinh VinUni cho rằng: “Sẽ rất dễ dàng cho VinUni nếu chỉ đơn giản chấp nhận lựa chọn ban đầu của các thí sinh. Là nhà giáo dục, chúng tôi muốn nhiều hơn thế. Chúng tôi cần tìm hiểu mong muốn và tiềm năng của các em, nắm được xu hướng phát triển nghề nghiệp tương lai và có tư vấn định hướng để các em phát triển bản thân. Dĩ nhiên lựa chọn cuối cùng là của các em”.
Cũng nhờ những chia sẻ của vị giáo sư giàu kinh nghiệm trong buổi phỏng vấn đặc biệt, Tuệ Nhi bỗng nhận ra việc tự tạo ra sản phẩm công nghệ và phát triển nó trong tương lai mới là con đường mà mình mong muốn theo đuổi, thay vì trở thành một nữ doanh nhân thành đạt như dự định ban đầu.
“Ngày nhận được thư báo học bổng toàn phần ngành khoa học máy tính, mình cảm thấy hạnh phúc bởi thật may mắn, con tàu đi sai đường cuối cùng cũng đến đúng điểm”, Tuệ Nhi chia sẻ.
Quy trình tuyển sinh “không giống ai”
Có không ít ứng viên đến với VinUni theo cách kỳ lạ như Tuệ Nhi. Theo Hội đồng tuyển sinh, VinUni có quy trình tuyển sinh tiên tiến dựa trên mô hình các trường đại học tinh hoa trên thế giới, điển hình là Cornell, đại học thuộc nhóm Ivy League hàng đầu nước Mỹ. Theo đó, VinUni sẽ thực hiện phân tích và tuyển chọn sinh viên dựa trên kết quả của hai vòng đánh giá hồ sơ và phỏng vấn.
Ở vòng đánh giá hồ sơ, những vị giáo sư đầu ngành của từng Viện sẽ chọn lọc ra các ứng viên tiềm năng nhất thông qua thông tin trong hồ sơ và dựa trên ba nhóm tiêu chí bao gồm: kết quả học tập, các hoạt động ngoại khóa và nội dung bài luận. Tuy nhiên, điểm số cao, giải thưởng “khủng” cũng không đảm bảo ứng viên sẽ có được một “tấm vé vàng” vào VinUni. Các giáo sư sẽ xem xét kỹ hoàn cảnh cá nhân để đánh giá bởi dù là ai và đến từ đâu, sự nỗ lực của bản thân mới là yếu tố được hội đồng tuyển sinh chú trọng hơn, thay vì điểm số.
“Một thí sinh có điểm IELTS 7.0 chưa chắc đã được đánh giá cao hơn một ứng viên chỉ đạt điểm 6.5 có hoàn cảnh gia đình khó khăn hay điều kiện học tập kém. Sự nỗ lực của bản thân ứng viên đó sẽ được các giáo sư lưu ý tìm hiểu thêm trong quá trình phỏng vấn. Điều này cho thấy mỗi ứng viên đều được đánh giá đa chiều trong mối tương quan với các ứng viên khác, nhưng cũng được trân trọng xem xét rất kỹ ở từng hoàn cảnh cá nhân của mình”, một giáo sư thuộc Hội đồng tuyến sinh VinUni lý giải.
Theo hội đồng tuyển sinh VinUni, những thí sinh vượt qua vòng đánh giá ban đầu của trường chắc chắn phải là những người có tinh thần, ý chí và sự tiến bộ trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu.
Đặc biệt, sự “không giống ai” trong quy trình tuyển sinh ở VinUni nằm ở vòng phỏng vấn trực tiếp - cách giúp VinUni đánh giá toàn diện một thí sinh, định hướng và xét tuyển các sinh viên phù hợp theo từng ngành. Bằng hệ thống câu hỏi và tình huống được xây dựng dưới sự tham vấn của Đại học Pennsylvania và Cornell, các giáo sư chủ động đào sâu tìm hiểu các khía cạnh khác của các thí sinh.
|
|
Một buổi phỏng vấn ứng viên của các GS, giảng viên trường ĐH VinUni |
“Việc có thêm vòng phỏng vấn sẽ giúp cho việc đánh giá ứng viên được chính xác và toàn diện hơn”, PGS.TS Phạm Ngọc Nam, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, chia sẻ.
Phân tích thêm từ trường hợp cụ thể, PGS. Nam cho biết có một ứng viên ghi trong hồ sơ từng đạt giải nhất một cuộc thi quốc tế, nhưng khi được hỏi sâu về sản phẩm và đóng góp cá nhân vào thành công của nhóm, ứng viên không trả lời được. Trong khi đó, ban tuyển sinh lại cần bản thân ứng viên quan tâm miêu tả rõ hơn các đóng góp và chú trọng vào quá trình để có giải thưởng đó.
“Nếu chỉ thông qua hồ sơ, thí sinh này có thể dễ dàng được chấp nhận vào VinUni và kể cả nhiều trường danh tiếng khác, nhưng vòng phỏng vấn đã xác định rõ và đưa ra kết quả hoàn toàn ngược lại”, PGS. Nam chia sẻ.
Tất cả các tiêu chí đánh giá được kết nối đa chiều với nhau giúp VinUni nhận định chính xác về năng lực thấu cảm, tư duy và đánh giá toàn diện về mỗi ứng viên. Đặc biệt hơn, với quá trình tuyển sinh tập trung vào từng người, Hội đồng tuyển sinh sẽ có cơ hội tiếp cận, hiểu được mong muốn và khám phá ra nguồn đam mê ẩn sâu trong mỗi cá nhân. Từ đó có thể tư vấn, truyền lửa để các em chắc chắn với quyết định của mình, định hướng lại ngành nghề phù hợp với tố chất của từng ứng viên.
GS Maurizio Trevisan, Viện trưởng Viện Khoa học Sức khỏe trường đại học VinUni xác nhận, trải nghiệm tuyển sinh ở VinUni hoàn toàn tương đồng với các trường Y danh tiếng ở Mỹ.
“Cách tiếp cận toàn diện để lựa chọn các ứng viên khi không chỉ tập trung vào điểm số mà còn nhìn nhận con người toàn diện, tính cách, đặc điểm của mỗi ứng viên, đam mê của họ với ngành học và những mối quan tâm, sự tập trung của họ nhằm cải thiện đời sống xã hội” – GS Trevisan khẳng định điều tạo nên sự đặc biệt trong lựa chọn sinh viên của VinUni.