Liên doanh, thua lỗ rồi thâu tóm là trình tự của một kịch bản cho cả 2 thương vụ liên quan đến 2 thương hiệu nổi tiếng một thời của Việt Nam: kem đánh răng Dạ Lan và nước giải khát Tribeco.



Năm 2005, CTCP Bánh kẹo Kinh Đô với tham vọng lấn sân sang lĩnh vực nước giải khát, đã quyết định mua lại 35% cổ phần của Tribeco. Cả 2 mang trong mình quyết tâm đưa thương hiệu này từng bước phát triển mạnh mẽ thông qua việc góp vốn xây dựng 2 nhà máy ở Bình Dương và Hưng Yên ngay trong năm 2006 và 2007. Nhưng đây lại chính là quyết định sai lầm, đưa Tribeco vào con đường thua lỗ khi năng lực sản xuất gấp quá nhiều lần năng lực bán hàng.

Năm 2007 là thời điểm Tribeco bán thêm 15% cổ phần cho Uni-President. Việc có thêm “tay” là một tập đoàn nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực thực phẩm tưởng sẽ giúp Tribeco thoát khỏi cái bẫy mở rộng đầu tư do chính mình tạo ra. Nhưng chỉ 1 năm sau ngày bán cổ phần cho Uni-President là chuỗi những ngày tháng thua lỗ triền miên của DN này.

Năm 2008, Tribeco lỗ 145 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5,32 tỷ đồng, năm 2009 tiếp tục lỗ 82 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 20 tỷ đồng. Năm 2010, Tribeco buộc phải chuyển nhượng cổ phần tại 2 nhà máy ở Bình Dương và khu vực miền Bắc, nhưng kết cục vẫn không thể thay đổi. Năm 2011, DN lỗ lũy kế tới 300 tỷ đồng và chỉ trong 7 tháng đầu năm 2012 lỗ tiếp 100 tỷ đồng. Không chịu nổi, tháng 8 cùng năm DN chính thức tuyên bố giải thể.

Lúc này Uni-President đã nắm trong tay hơn 43% cổ phần, còn Kinh Đô đã thoái vốn hoàn toàn khỏi Tribeco. Theo các chuyên gia kinh tế đây là một chiêu thức của các tập đoàn nước ngoài nhằm nhanh chóng thâu tóm các thương hiệu có tiếng. Cũng còn rất nhiều câu hỏi xung quanh việc vì sao Tribeco nhanh chóng đánh mất chính mình. Những bên liên quan đều từ chối trả lời nhưng dù có hay không câu trả lời thì sự thật vẫn quá đắng cay.
 

Theo Đức Mạnh
 Sài Gòn Đầu Tư

.