"Miếng bánh" ngày càng co hẹp khiến các hãng xe phải nghĩ đủ chiêu để thu hút khách hàng. Trong khi đó, hành khách cũng có những cách riêng để giảm chi phí đi lại trong thời buổi "người khôn của khó".
Còn hiện nay, sự xuất hiện ngày càng nhiều cái tên trên tuyến Hà Nội - Nội Bài khiến cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn. Nhất là trong thời kỳ khó khăn, hành khách cũng tìm cách tiết kiệm luôn cả tiền di chuyển ra sân bay, thì nồi cơm của các hãng ngày càng nhỏ hẹp.
Ông Đặng Xuân Cử, Tổng Giám đốc Nasco (Công ty Dịch vụ Hàng không Nội Bài), đơn vị chủ quan của Airport Taxi cho biết cạnh tranh gắt gao khiến những hãng gạo cội thất thu khá nhiều. Có những lúc hàng chục chiếc taxi của hãng phải nằm bãi, phơi nắng vì không có khách.
Hoặc như Taxi Group, khi bắt đầu được cấp phép hoạt động vào năm ngoái, đã đăng ký tới 400 xe, nhưng nay chạy chủ yếu chỉ khoảng 150 chiếc. Có hãng hiện chỉ duy trì vài chục chiếc chạy thường xuyên vì không đủ khách.
Không chỉ giành khách ở ngoài đường, sự cạnh tranh quyết liệt của các hãng còn thể hiện ở từng tên miền, từ khóa tìm kiếm trên mạng. Nay khi khách hàng gõ từ khóa "taxi Nội Bài" hoặc "taxi sân bay", sẽ có hàng loạt tên hãng hiện ra từ Đại Nam, taxi Connect, taxi Nội Bài...
Để cạnh tranh trên mạng, nhiều hãng tỏ ra nhanh nhạy đã mua quảng cáo của Google để tên của mình xuất hiện cao trên kết quả tìm kiếm. Ví dụ thương hiệu taxi của Nasco tên gọi là Airport Taxi, nhưng khi tìm kiếm với từ khóa trên lại hiện ra tên tuổi số điện thoại của các hãng khác. Chưa hết, nhiều hãng mới xuất hiện đã tranh thủ rải tin trên khắp các diễn đàn đông người tham gia như webtretho, lamchame... để quảng cáo giá cả, dịch vụ của mình.
Hiện nay, giá cả chiều từ Nội Bài về nội thành không chênh lệch nhiều, chủ yếu từ 320.000 đến 350.000 đồng. Sự cạnh tranh chủ yếu nằm ở giá chiều đi (lệch nhau đến cả trăm nghìn đồng), hoặc cạnh tranh bằng chất lượng. Đại diện một hãng có giá khá cao (trên 300.000 đồng mỗi lượt) cho biết hãng đặt mục tiêu hút khách bằng chất lượng dịch vụ như xe mới, sạch sẽ, tài xế đi cẩn thận.
Tuy nhiên, dù nỗ lực đến đâu, các hãng taxi chạy tuyến Nội Bài đang vấp phải làn sóng thắt lưng buộc bụng từ hành khách. Như chị Liên, một tài xế của Taxi Group cho biết bây giờ, khách trông như doanh nhân thành đạt cũng sẵn sàng mặc cả. "Giá chiều về niêm yết là 330.000 đồng, nhưng có lần khách hỏi tôi 300.000 đồng có đi không. Mặc cả không được khách bỏ đi xe khác ngay", chị kể.
Người đi lại sân bay Nội Bài lâu nay vẫn rỉ tai nhau công thức "Đi Việt Thanh hoặc Đại Nam, về tầng 2". Ý nói chiều từ trung tâm ra sân bay có thể chọn hãng Việt Thanh, với giá 200.000 đồng, hoặc Đại Nam giá 190.000 đồng thay vì 300.000 đến 320.000 đồng như các hãng khác. Còn lúc từ Nội Bài về, họ thường lên tầng 2 nhà ga, nơi các xe trả khách đến để "bắt" luôn. Nếu khéo mặc cả, giá có thể giảm 40 - 50% so với thông thường, cộng thêm tiền phí cầu đường do khách tự trả.
Tuy nhiên, cách tiết kiệm này ngày càng khó thực hiện vì hiện nay, các nhà chức trách sân bay siết chặt các quy định đón trả khách. Taxi nào bắt khách trên tầng 2 đều bị phạt nặng.
Để lách luật, nhiều người lại nghĩ ra "chiêu độc" khác để có giá rẻ. Nếu không ngại hành lý nặng nề, khách có thể đi xa hơn một chút ra khỏi khu vực đỗ xe của sân bay, sát đường lớn. Tại đây, họ dễ dàng bắt được taxi với giá "siêu rẻ", có khi chưa đến 100.000 đồng để đi về nội thành. Những chiếc xe này đều là xe nằm ngoài nhóm được phép hoạt động ở khu vực dừng đỗ trong sân bay, sau khi trả khách phải ra đỗ ngay ngoài đường lớn. Lúc này, cánh tài xế thường dễ dàng xuống nước khi khách mặc cả, vì sẽ "gỡ gạc" được chút tiền hơn là chạy không về nội thành.
Theo Thanh Bình
VnExpress