Dù đã có chính sách của Chính phủ về hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ, nhưng các doanh nghiệp Việt vẫn đang phải lận đận “đốt đuốc tìm đường”, chen chân vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn.
 
Ưu tiên doanh nghiệp nội, nhưng…
 
Hơn chục năm tham gia vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho tới sản xuất, nhưng ông chủ Công ty CP Ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) Bùi Ngọc Huyên cho biết, chưa bao giờ nhìn thấy đồng vốn vay hỗ trợ từ ngân hàng, dù đã có hẳn chính sách của Chính phủ dành cho ngành này. Doanh nghiệp hỗ trợ vẫn đang phải lận đận “đốt đuốc tìm đường”, tự lực cánh sinh chen chân vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia.
 
Điều đáng buồn hơn, sau hơn 3 năm triển khai Quyết định 12/2011/QĐ-TTg của Chính phủ về trợ giúp phát triển DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực CNHT, thì chỉ có duy nhất một doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp cận được vốn vay ưu đãi. Còn toàn bộ DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước thì … đứng nhìn.
 
Thực tế này được bà Đào Dung Anh – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chia sẻ tại hội thảo giải pháp tài chính và hạ tầng phát triển ngành CNHT do Ngân hàng Thương mại CP Tiên Phong (TPBank) phối hợp với Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Hà Nội tổ chức sáng 28/8 tại Hà Nội.
 
Điểm mấu chốt khiến DN CNHT trong nước chưa thể nhận được một đồng vốn nào từ chương trình hỗ trợ của Chính phủ trong suốt hơn 3 năm qua, bà Dung Anh chỉ ra là do ưu đãi đối với DN sản xuất CNHT chưa đủ mạnh và trình tự thủ tục còn quá nhiêu khê. Muốn vay được vốn, chủ đầu tư phải qua ba cấp thẩm định hồ sơ trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
 
Thiếu hụt chính sách hỗ trợ
Thiếu hụt chính sách hỗ trợ "sát sườn" khiến ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam khó phát triển
 
Chia sẻ, ông Nguyễn Đình Hòa – Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Việt Hà, một DN chuyên cung cấp thiết bị, linh kiện cho hệ thống chuyển động cơ khí tại Hà Nội, cho rằng môi trường phát triển CNHT ở Việt Nam mới ở giai đoạn khởi đầu, chưa tham gia được nhiều trong chuỗi sản xuất. Nếu có thì chỉ sản xuất được linh phụ kiện đơn giản cho DN nước ngoài.
 
Lâu nay, các DN nước ngoài thường tìm kiếm nguồn linh phụ kiện từ chính DN “đồng hương” của họ tại Việt Nam, phần vì giá cả của các DN này cạnh tranh hơn. DN trong nước vì thế khó chen chân để trở thành nhà cung cấp cho DN FDI.  Lúc này, theo ông Hòa ngành CNHT rất cần chính sách hỗ trợ của Nhà nước về vốn, mặt bằng sản xuất.
 
“Không phải cứ có tiền, tung tiền ra thì ắt sẽ có ngành CNHT. Cái chính ở đây là cần một chính sách tốt đi được vào thực tế cuộc sống, chứ không phải chính sách trên giấy. Chẳng hạn, ngoài cung ứng vốn thì phải có chính sách giúp kết nối nhu cầu của các DN nước ngoài với DN trong nước”- ông Hòa nói thẳng.
 
Thừa nhận thực tế chính sách đưa ra hỗ trợ đối với DN vừa và nhỏ ngành CNHT chưa có gì khác biệt với các DN khác, trong khi thủ tục rườm rà, gây rất nhiều khó khăn cho DN. “Ở góc độ ngân hàng giải ngân tài chính, chúng tôi khuyến nghị trình tự thủ tục vay vốn đối với loại hình DN này cần thông thoáng hơn” – Phó Tổng giám đốc VDB đề xuất.
 
“Chùn chân” vì lãi vay cao
 
Ngoài chuyện DN bị “hành” vì thủ tục, thì theo ông Bùi Ngọc Huyên – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuân Kiên (Vinaxuki), thời hạn vay ngắn, lãi suất vay cao đang khiến DN CNHT “chùn chân”.
 
Trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, một DN sản xuất phụ tùng linh kiện chào hàng thì ít nhất phải 2-3 năm sau mới có DN đặt mua, nếu vốn ngắn hạn và lãi suất cao thì làm sao sống nổi. Ở các nước như Malaysia thời hạn vay dành cho DN sản xuất ô tô thường là 20 năm, Hàn Quốc lên tới 30 năm với lãi suất bằng 0. Còn ở Việt Nam, chưa kể tới mức lãi suất cao thì thời hạn vay của các ngân hàng cũng rất ngắn, chỉ 2-3 năm.
 
Chưa kể, CNHT cho sản xuất ô tô cần vốn lớn, đầu tư công nghệ cao hoàn toàn chứ không thể tận dụng lại công nghệ cũ.
 
Điểm nghẽn lớn nhất đối với Vinaxuki không phải công nghệ mà là vốn. Vị Chủ tịch từng gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng khẳng định, “tiếp cận vốn với DN CNHT khó khăn vô cùng. Có chính sách ưu đãi của Nhà nước đấy nhưng chúng tôi có bao giờ vay được đâu. Bây giờ chỉ cần có vốn, tôi chắc chắn là chúng tôi sẽ sản xuất có lãi”.
 
Ông tiếp lời: “Vấn đề bây giờ còn lại là chính sách. Nếu chính sách ko đúng thì chả làm được gì. Tôi đang chờ sắp tới các Bộ, Ngành ban hành chính sách ra sao để hỗ trợ DN CNHT trong nước”.
 
Hiện mức lãi suất vay của VDB dành cho DN ngành CNHT là trên 10%/năm, còn nếu vay tại các NHTM thì nếu đàm phán khéo cũng phải 12%/năm. Mức lãi quá cao khiến ông Nguyễn Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội DN ngành CNHT Hà Nội (Hansiba) còn nhấn mạnh, “lãi suất đang là “trở ngại đặc biệt” với DN CNHT khi tiếp cận vay ngân hàng. Với mức lãi suất hiện nay thì DN CNHT không thể làm gì được”.  
 
Muốn phát triển CNHT, ông Hoàng cho rằng, lãi vay phải dưới 3%/năm trong thời hạn vay từ 8-12 năm thì DN CNHT mới có thể vay và đủ thời gian để quay vòng vốn, trả nợ.
 
Ở góc độ ngân hàng, ông Đinh Việt Cường - Giám đốc Khối Ngân hàng DN Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB) cho biết, TPB: luôn coi lĩnh vực hỗ trợ DN hỗ trợ là trọng tâm của ngân hàng, có nhiều gói ưu đãi cho DN. DN hỗ trợ của Việt Nam thường khó khăn về vốn, tài sản đảm bảo… Gói ưu đãi 1.000 tỷ đồng lần này của TPBank và có chính sách ưu đãi với DN, tài sản đảm bảo DN chỉ cần có hợp đồng cung cấp đầu ra cho DN FDI hoặc đã từng cung cấp sản phẩm cho DN FDI thì chúng tôi sẵn sàng cho vay tới 90% giá trị hợp đồng họ triển khai. Lãi suất suất ưu đãi từ 8-9%/năm và giảm tới 4% phí.
 
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Đặng Huy Đông thì khẳng định, tháo gỡ nút thắt về đầu tư CNHT như: vốn, cơ sở vật chất, liên kết ngành… đang được xem là nhiệm vụ quan trọng nhất. Bộ đang kết hợp với các đơn vị liên quan, các khu vực nhằm “sánh bước” cùng DN, chấm dứt tình trạng DN phải lận đận đốt đuốc tìm đường, lận đận chen chân vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn.
 
Theo Infonet