Công nghiệp 4.0 khó có thể đồng loạt thay thế lao động tay chân của con người trong thời gian ngắn, nhất là công đoạn may.
Bàn về những vấn đề đặt ra đối với chính sách phát triển ngành dệt may trong bối cảnh công nghiệp 4.0, TS. Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho rằng, đối với ngành dệt may, một ngành có tính thời trang cao, có nhiều công đoạn sản xuất, công nghiệp 4.0 khó có thể đồng loạt thay thế lao động tay chân của con người trong thời gian ngắn, nhất là công đoạn may.
Tuy nhiên, công nghiệp 4.0 vẫn làm gia tăng nguy cơ mất việc làm đối với lao động dệt may, đặc biệt lao động có trình độ thấp và ở những công đoạn dễ thay thế bằng máy móc, song mức độ tác động ở mỗi công đoạn sản xuất dệt may cũng khác nhau.
“Trong một thập niên tới có thể dự báo sản xuất xơ, sợi hóa học có khả năng thay thế cao. Còn các công đoạn sản xuất tơ, sợi tự nhiên, các công đoạn dệt, đặc biệt vải không dệt và khâu nhuộm có thể hoàn tất khả năng thay thế lao động con người bằng máy móc. Riêng công đoạn may, nhìn chung khả năng thay thế ở mức độ trung bình thấp do có tính thời trang cao, nhu cầu phong phú, đa dạng về kiểu dáng, màu sắc, thị hiếu vùng miền”, TS. Cẩm nhận định.
Mặt khác, Phó Chủ tịch Vitas cũng cho biết, dệt may Việt Nam trong công nghiệp 4.0 sẽ phải đối mặt với nguy cơ chuyển dần sản xuất quay lại các nước, như Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc… là các quốc gia có trình độ khoa học kỹ thuật phát triển và chiếm tới gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam. Đồng thời tạo ra sự chênh lệch lớn về trình độ và thu nhập của người lao động trong doanh nghiệp, trong ngành và giữa các ngành nghề với nhau.
Do đó, để khuyến nghị giải pháp đối với các doanh nghiệp dệt may, TS. Trương Văn Cẩm cho rằng, các doanh nghiệp cần có nhận thức đúng, tìm hiểu kỹ về công nghiệp 4.0, sự tác động của nó đến ngành dệt may bằng cái nhìn thực tế, khách quan phù hợp với đặc điểm của một ngành sản xuất hàng hóa theo xu hướng thời trang, thị hiếu, thời tiết, vùng miền, tôn giáo, sản phẩm nhiều đẳng cấp với giá cả hợp lý.
“Công nghiệp 4.0 là công cụ giúp hiện thực hóa những nhu cầu của con người một cách hiệu quả nhất và cũng chỉ ở những công đoạn nhất định. Doanh nghiệp dệt may cần xác định các công việc trong dây chuyền sản xuất, có thể tự động hóa theo phương châm vừa áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động vừa quan tâm sử dụng nguồn lao động dồi dào của Việt Nam”, TS. Trương Văn Cẩm cho biết.
Ngoài ra, theo TS. Trương Văn Cẩm, các doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn lực (con người, vốn, công nghệ) để có thể từng bước hiện đại hóa các khâu đã lựa chọn; Liên kết với đối tác, khách hàng để nắm bắt xu hướng, nhu cầu đối với các loại sản phẩm, có nguy cơ di chuyển sản xuất về lại thị trường đang tiêu thụ.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu số hóa một số khâu trong dây chuyền sản xuất. Nâng cao trình độ cán bộ quản lý kỹ thuật, công nghệ, xây dựng thương hiệu, áp dụng công nghệ in 3D trong thiết kế thời trang đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đơn lẻ của khách hàng.
Các doanh nghiệp dệt may cũng cần tập trung khai thác hiệu quả năng lực sản xuất hiện có để tăng tích lũy, chuẩn bị nguồn lực cho đổi mới công nghệ. Chuyển dần từng bước sang xu hướng khai thác thị trường nội địa.
Đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam cũng khuyến nghị các giải pháp vĩ mô, trong đó Chính phủ cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới thể chế pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp dệt may tăng năng lực cạnh tranh để tích lũy nguồn lực đầu tư công nghệ mới theo xu hướng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV