Tổng thống Mỹ BarackObama đã ký “Luật ủng hộ tự do cho Ukraine”, bao gồm các biện pháp trừng phạt Nga. Tuy nhiên, ông chủ Nhà trắng chưa có ý định áp đặt lệnh cấm ngay lúc này, nhưng từ trước đó, Moscow đã áp lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ một số nước phương Tây.


Sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crime hồi tháng 3, quan hệ giữa Nga và Mỹ đang ở mức tồi tệ. Kiev và các nước phương Tây cho rằng Nga trang bị vũ khí cho phe ly khai ở miền Đông Ukraine khiến cuộc xung đột không có cơ hội hòa giải.

Phương Tây áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga như một hành động “ném trả”.

Nga sẽ thiếu hụt nhiều nguồn thực phẩm

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã bác bỏ cáo buộc của Kiev và các nước phương Tây, áp lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ một số nước.

Nga có thế mạnh về đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản. Thế nhưng, nước này lại hạn chế về cơ sở chế biến thủy hải sản nên phải lệ thuộc vào nhập khẩu từ các nước EU, Mỹ và các nước châu Á.

Theo số liệu thống kê của Cục Hải quan Việt Nam, hiện nay, hoạt động thương mại hai chiều Việt - Nga luôn đạt tốc độ tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 10 năm 2014,lần đầu tiên, tổng kim ngạch buôn bán hai chiều bị suy giảm, đạt kim ngạch 2,21 tỷ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2013 (tương đương giảm 170 triệu USD). Trong đó, xuất khẩu sang Nga là 1,44 tỷ USD, giảm 10,6%; ở chiều ngược lại nhập khẩu từ Nga đạt 768 triệu USD, tăng 4,5%.

Hành động đáp trả của Nga bằng lệnh cấm nhập khẩu đối với một số thực phẩm từ các nước phương Tây sẽ làm thiếu hụt nguồn thực phẩm từ các nước nằm trong lệnh cấm, đồng thời, thủy sản trên thị trường nước Nga theo dự đoán sẽ tăng giá đột biến.

Để giải quyết vấn đề này, có thể Nga sẽ chuyển sang tìm kiếm các nhà cung cấp và các đối tác xuất khẩu từ châu Á. Việt Nam là một trong những nước có cơ hội lớn trong việc mở rộng và tìm kiếm thị trường tại Nga, đặc biệt là thủy hải sản.

Sẽ là lợi thế nếu Việt Nam biết “chớp” cơ hội

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Nga là một thị trường rộng lớn và có sức tiêu thụ mạnh hơn so với Mỹ. Vì vậy, các nước không nằm trong lệnh cấm nhập khẩu vào Nga sẽ xem đây là cơ hội lớn để phát triển các mặt hàng xuất khẩu.

Dự kiến vào năm 2015, khi đàm phán FTA giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan có hiệu lực, các mặt hàng thủy sản Việt Nam nhập vào Nga sẽ hưởng thuế suất 0%.

Một số doanh nghiệp Việt Nam đang tiến hành làm thủ tục và đẩy mạnh thị trường để xuất khẩu qua Nga như CTCP Hùng Vương, CTCP Thủy sản Mêkông, Nhà máy đông lạnh thủy sản Hùng Cá, Nhà máy chế biến thủy sản Ba Lai... Theo thống kê của CTCP Hùng Vương, thị trường xuất khẩu qua Nga chiếm 10% trong tổng số các sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài. Để tận dụng cơ hội đang mở ra trước mắt, Công ty Cổ phần Hùng Vương sẽ cố gắng mở rộng thị trường ở Nga, kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm và giá thành.

Tuy nhiên, thị trường Nga luôn đưa ra tiêu chí khắt khe để đáp ứng những chỉ tiêu an toàn thực phẩm do Hội đồng Liên minh Hải quan Nga quy định.

Từ tháng 8/2014, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thông báo về các quy định của Liên minh Hải quan đối với hải sản Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường này. Cơ quan kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga đồng ý không kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm từng lô thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh Hải quan. Thế nhưng tần suất kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm phải đảm bảo độ tin cậy và kiểm nghiệm đầy đủ của các chỉ tiêu An toàn thực phẩm của Hội đồng Liên minh Hải quan.

Đại biểu Quốc hội Cao Sĩ Kiêm (Chuyên gia kinh tế- Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết: “Việt Nam là nước có thế mạnh về xuất khẩu, đặc biệt là nông sản, thủy sản và các loại sản phẩm của các cây công nghiệp. Thị trường xuất khẩu qua Nga mới trỗi dậy trong những năm gần đây và đây là thời cơ tốt cho Việt Nam vươn lên. Nhưng chúng ta phải có sự chuẩn bị tốt về mặt khoa học kỹ thuật, hạ thấp giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng đủ các tiêu chí của quốc tế đề ra, dễ dàng mở rộng thị trường xuất khẩu hơn nữa”.

Đại biểu Quốc hội Cao Sĩ Kiêm (Chuyên gia kinh tế- Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho rằng: “Việt Nam phải có sự chuẩn bị tốt về mặt khoa học kỹ thuật, hạ thấp giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng đủ các tiêu chí của quốc tế đề ra, dễ dàng mở rộng thị trường xuất khẩu hơn nữa”
 

Theo Đời sống & Tiêu dùng

.