Nắng như thiêu như đốt bầu trời lấp loáng mỡ gà. Giữa cái chảo mỡ đó xuất hiện những cây xanh vươn mình trong nắng gió. Những cây phi lao ở đây rất lạ, một bên tán có màu nâu đỏ, còn tán bên kia lại có màu xanh rì. Một câu hỏi chợt xuất hiện trong tôi “Bằng cách nào những cây này sống qua mùa khô khắc nghiệt dư nắng thừa gió và thiếu nước ở nơi đây”?.

 

 

Tận dụng thời tiết chỉ là yếu tố cần để cây trồng sống được, còn để phát triển thì phải có thêm yếu tố đủ là phân bón và kỹ thuật trồng. Hố để trồng cây ở đây cũng phải đào cho rộng và sâu hơn những nơi khác nhằm bỏ được nhiều phân và trồng cây “chặt” xuống lòng cát. “Ngoài lượng phân bón nhiều hơn những nơi khác thì trồng cây ở Bàu Trắng nhất định phải có hạt tích nước. Đây là loại hạt được tạo ra từ chất liệu Polyme. Hạt này sẽ hút nước, giữ ẩm rồi nhả dần để cung cấp độ ẩm cho cây trong thời gian không có mưa hoặc thiếu nước tưới. Nếu không có hạt này thì cây to cỡ nào trồng xuống Bàu Trắng vài tháng là chết ngay. Chính vì vậy mà kinh phí trồng rừng ở đây thường cao gấp đôi những nơi khác”, anh Thái cho biết. Hiện nay, trên các đồi cát, Ban quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong đang trồng 2 loại cây chủ lực là phi lao và keo lưỡi liềm. Trong đó, cây keo lưỡi liềm được đánh giá có khả năng thích ứng tốt với điều kiện ở đây.

Dẫn tôi đến đồi cát ven tuyến đường Hòa Thắng – Hòa Phú, anh Thái chỉ tay vào những cây phi lao cao gần 1m nói: Đây là những cây trồng vào tháng 9 năm ngoái. Đợt đó, trong lúc cơn bão số 6 đang đổ bộ vào miền Bắc thì chúng tôi tranh thủ xuống giống. Nhờ tận dụng thời tiết và đầu tư tốt nên tỉ lệ cây sống trung bình trên 90%, nhiều chỗ cây sống đạt 100%. Quả thật, đứng ở đây, nhìn xung quanh đâu đâu cũng thấy cây phi lao và keo lưỡi liềm. Hàng nghìn cây đang vươn mình trong gió nhưng tuyệt nhiên không có cây nào mọc thẳng đứng. Nắng và gió đã làm những cây này ngã nghiêng. Tuy nhiên bộ rễ của cây đã phát triển rất mạnh. Ở những gốc cây cát bị gió cuốn đi có thể nhìn thấy rễ cây lan rộng ra xung quanh, cắm sâu vào lòng đất để hút dinh dưỡng. “Mùa khô vậy đó chứ mưa xuống cái là khác liền. Cây phát triển nhanh lắm. Ở gần bàu Bà chúng tôi mới trồng được hai năm nhưng cây nào cũng cao gần 2m. Chỉ cần sống qua mùa khô đầu tiên thì cây sẽ sống tốt ở những năm sau”, anh Thái nói trong niềm phấn khích.

Hiện nay, khu vực Lê Hồng Phong được đánh giá là một trong những nơi hiện tượng sa mạc hóa diễn ra mạnh nhất của tỉnh. Việc trồng rừng chống biến đổi khí hậu, hạn chế nạn cát bay, cát nhảy vẫn còn là “một cuộc chiến dài hơi”. Nhưng với nỗ lực và tinh thần chịu khó vươn lên của người dân vùng căn cứ kháng chiến, mai đây, những đồi cát bay, cát nhảy sẽ thành lợi thế, là động lực cho phát triển kinh tế…

 

Theo Báo Bình Thuận

.