Sau nhiều lần, giảm giá nhỏ giọt, xăng lại làm một cú tăng giá ngoạn mục từ 11/3. Ngoạn mục vì sau vài lần giảm giá, mỗi lần chỉ giảm từ 400 đến 500 đồng, nay tăng chỉ một lần đã tới 1.600 đồng/lít. Đồng thanh tương ứng, giá điện cũng tăng lên 7,5% từ 16/3.

 

EVN có phá sản vì không tăng giá hay không? Có lẽ không. Nhưng EVN chắc chắn sẽ phá sản nếu cứ tiếp tục các khoản đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả, năng suất lao động thấp, lãng phí chi phí và tổn thất điện năng cao. Đó là chưa kể những chi phí phát sinh, lương thưởng không minh bạch, và các khoản lỗ do quản trị yếu kém. Căn bệnh trầm kha đó, nếu không được giải quyết tận gốc, sẽ tiếp tục đổ vào giá thành điện, khoác gánh nặng lên vai nền kinh tế và người tiêu dùng. Điệp khúc tăng giá sẽ trở thành chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Đó cũng là tình hình diễn ra với giá xăng. Theo ý kiến của các chuyên gia, cần một cuộc “đại phẫu” giá điện và giá xăng, thuê chuyên gia độc lập kiểm tra khách quan để minh bạch hóa giá điện và giá xăng. Tránh cơ chế quản lý đơn giản như hiện nay: các doanh nghiệp báo cáo, Bộ Công thương xem xét; rất dễ chủ quan và không loại trừ nảy sinh tiêu cực.

Tăng giảm giá là điều bình thường trong nền kinh tế, nhất là khi nước ta đang bước vào nền kinh tế thị trường, dù có định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng tăng giá cũng phải thực hiện một cách công khai, minh bạch. Kinh doanh có đạo đức là kinh doanh sòng phẳng, không vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm đổ gánh nặng thua lỗ của doanh nghiệp mình lên vai nền kinh tế đất nước và người tiêu dùng không phương tiện tự vệ trong tay. Cuộc sống đòi hỏi đã đến lúc phải phá thế độc quyền của ngành điện, ngành xăng dầu. Nhưng trước mắt phải làm minh bạch đầu ra đầu vào trong quản trị giá xăng dầu và giá điện. Dư luận cũng đòi các quan chức quản lý giá cũng phải “minh bạch hóa” chỗ đứng của mình: đứng về phía doanh nghiệp độc quyền hay đứng về phía lợi ích chung của đông đảo người tiêu dùng và nền kinh tế?

 

Theo Người tiêu dùng

.