Cảnh giác với mafia rác 'du nhập' vào Việt Nam
Cập nhật lúc 15:25, Thứ ba, 24/03/2015 (GMT+7)
"Ông có phải là mafia không mà muốn làm rác?" - đó là câu hỏi của Thị trưởng Moscow (Nga) đối với Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng (ảnh) - Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ khi ông đến Nga tìm hiểu về công nghệ xử lý rác. (mafia rác, Lợi nhuận, Phòng chống Tội phạm)
“Ông có phải là mafia không mà muốn làm rác?” - đó là câu hỏi của Thị trưởng Moscow (Nga) đối với Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng (ảnh) - Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ khi ông đến Nga tìm hiểu về công nghệ xử lý rác.
Tại cuộc hội thảo về xử lý rác vào tháng 10-2014 ở TP.HCM, TS. Nguyễn Văn Lạng đã khẳng định Việt Nam đã xuất hiện lợi ích nhóm trong vấn đề xử lý rác. Một lãnh đạo của Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm về môi trường cũng từng cảnh báo Việt Nam đã xuất hiện mafia rác.
Rác thải đô thị là vấn nạn của Việt Nam khi công nghệ xử lý rác chỉ phát triển đến mức độ “chôn lấp hợp vệ sinh”. Hiện nay, cả nước có 458 bãi chôn lấp quy mô trên 1 ha, trong số đó có đến 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, chiếm tỷ lệ 80%.
Đô thị lớn nhất Việt Nam hiện nay là TP.HCM đang có vấn đề về xử lý rác khi chưa có quy hoạch và phụ thuộc hoàn toàn vào Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước thuộc Công ty Vietnam Waste Solution (VWS) của Việt kiều David Dương.
Đầu tư vào Việt Nam năm 2007, khu xử lý chất thải rắn Đa Phước tại huyện Bình Chánh (TP.HCM) ban đầu bị báo chí và HĐND thành phố lên án kịch liệt vì ảnh hưởng môi trường nhưng sau đó truyền thông quay lại ca ngợi công nghệ xử lý rác tiên tiến của khu xử lý rác thải này.
Hình ảnh “vua rác” David Dương xuất hiện trên truyền thông dưới lớp áo Việt kiều yêu nước, đóng góp xây dựng cho quê hương trái ngược với giá xử lý rác của VWS cao hơn các doanh nghiệp khác 3 USD/tấn và mỗi năm lợi nhuận từ giá rác cao này chảy vào túi ông David Dương hơn 3 triệu USD.
Con số nói trên được nêu ra bởi một người có trách nhiệm là ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM. Đây là tiếng nói hiếm hoi của một lãnh đạo thành phố trước đòi hỏi bức xúc của dư luận về những ưu ái bất thường dành cho VWS.
Đỉnh điểm của những bất thường đó là việc UBND TP.HCM bằng một quyết định hành chính “cảm tính” đã đóng cửa bãi rác Phước Hiệp để dồn rác về bãi Đa Phước của VWS. Bất chấp hậu quả là nhà đầu tư có thể khởi kiện đòi bồi thường hàng trăm tỷ đồng và ngân sách đầu tư 400 tỷ đồng khác bị thất thoát.
VWS cũng như tất cả doanh nghiệp khác đầu tư vào Việt Nam, việc đòi hỏi đầu tiên là tuân thủ luật pháp Việt Nam và bảo đảm kinh doanh trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Những doanh nghiệp xử lý rác tại TP.HCM trong thời gian qua “chết” một cách đáng ngờ để dồn thế độc quyền rác tại đô thị này cho bãi rác Đa Phước là rất bất thường và có dấu hiệu vi phạm luật.
Rác là tài nguyên, nhưng ở Việt Nam hiện nay rác vẫn là lĩnh vực mà ngân sách phải chi rất nhiều tiền để xử lý. Công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh của VWS tại bãi rác Đa Phước cần phải được bạch hóa từ công nghệ đến các vấn đề tài chính nhằm đảm bảo việc tiết kiệm ngân sách, môi trường và luật cạnh tranh.
Ở một lĩnh vực siêu lợi nhuận như ngành xử lý rác, việc cảnh báo về lợi ích nhóm là rất cần thiết.
Theo Người tiêu dùng
.