Theo báo cáo Đại hội Đảng bộ huyện Thọ Xuân nhiệm kỳ 2020 – 2025: Huyện Thọ Xuân được xác định là một trong các trung tâm kinh tế động lực của tỉnh, được quy hoạch trở thành thị xã vào năm 2030; Cảng hàng không Thọ Xuân được quy hoạch nâng cấp thành Cảng hàng không quốc tế…
Mặc dù, chưa được nâng cấp thành Cảng hàng không quốc tế, nhưng năm 2020 ước đón 303.000 lượt khách quốc tế và nội địa, tăng 3,2 lần so với năm 2015, đến năm 2019 tổng lượng khách đạt trên 01 triệu lượt. Cảng hàng không Thọ Xuân đã góp phần chuyển biến tích cực dịch vụ du lịch, bước đầu kết nối được các điểm du lịch trong huyện với các tour, tuyến trong tỉnh; lượng khách du lịch tăng nhanh. Dịch vụ vận tải phát triển đa dạng, chất lượng được nâng lên; Cảng hàng không Thọ Xuân được quy hoạch thành Cảng hàng không quốc tế, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đó lượng khách qua cảng sẽ tăng nhanh, sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư đến với Thanh Hóa nói chung, Thọ Xuân nói riêng.
|
|
Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân sẽ là cầu nồi của Thanh Hóa ra thị trường quốc tế. |
Phát huy lợi thế của một trong bốn trung tâm kinh tế động lực của tỉnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Thọ Xuân tích cực phối hợp với các ban, sở, ngành cấp tỉnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng để thu hút các dự án đầu tư lớn, các dự án về công nghiệp hàng không, điện tử, viễn thông và các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao. Xây dựng bổ sung quy hoạch, đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp Neo (Nam Giang), Tứ Trụ (Thọ Diên) gắn với đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp thị trấn Thọ Xuân, Xuân Lai, Thọ Nguyên, Thọ Minh để thu hút các dự án đầu tư sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, chế biến nông sản và công nghiệp phụ trợ cho khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng. Tiếp tục phát triển các sản phẩm công nghiệp có thế mạnh như may mặc, giày da,…; phấn đấu đến năm 2025 cơ cấu giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 54,5% giá trị sản xuất trong nền kinh tế.
Theo đó, Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân sẽ là góp phần để địa phương này phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa, các điểm du lịch, đưa Thọ Xuân trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh. Không những thế, việc Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân sẽ tạo ra sự đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh…
Theo đó, đặt ra cho Thọ Xuân phát triển kinh tế theo 03 hành lang kinh tế của tỉnh nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nông nghiệp, gồm: (1) Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, kết nối Thanh Hóa với Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và Nghệ An, với định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông, lâm sản “xa lộ nông nghiệp”; (2) Hành lang kinh tế trung tâm, kết nối thành phố Sầm Sơn - thành phố Thanh Hóa - huyện Thọ Xuân thông qua Đại lộ Nam sông Mã, Đại lộ Lê Lợi, đường từ thành phố Thanh Hóa đi Cảng Hàng không Thọ Xuân, với định hướng phát triển đô thị, công nghiệp và dịch vụ; (3) Hành lang kinh tế quốc tế, kết nối Cảng biển Nghi Sơn - Cảng hàng không Thọ Xuân với các tỉnh vùng Tây Bắc và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, thông qua tuyến đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 15, Quốc lộ 217 và Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo, với định hướng phát triển dịch vụ xuất nhập khẩu, logictics và công nghiệp. Phát triển nhanh khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng, trọng tâm là công nghiệp hàng không, điện tử, viễn thông và các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị gắn với sản xuất nông sản có thương hiệu và xây dựng sản phẩm OCOP xuất khẩu. Khai thác, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử gắn với phát triển du lịch.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh và bền vững, hình thành các vùng sản xuất, các sản phẩm chủ lực: phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; chất lượng, hiệu quả cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Tăng cường xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư lớn, có tiềm lực đầu tư vào khu công nghiệp, đô thị Lam Sơn - Sao Vàng với định hướng hình thành khu công nghệ cao của tỉnh, ưu tiên kêu gọi các dự án sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như sản xuất linh kiện điện tử, máy tính; sản xuất thiết bị vật tư y tế, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin, thiết bị chiếu sáng, cơ khí chính xác, các dự án công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường,... Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành cấp tỉnh và nhà đầu tư sớm hoàn thiện quy hoạch để triển khai dự án khu phức hợp dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao Thọ Xuân. Từng bước hoàn thiện đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp Thọ Minh, Xuân Lai, Thọ Nguyên và thị trấn Thọ Xuân; quy hoạch bổ sung các cụm công nghiệp Neo (Nam Giang), Tứ Trụ (Thọ Diên) để thu hút các dự án sản xuất hàng tiêu dùng, may mặc, vật liệu xây dựng, chế biến nông sản và công nghiệp phụ trợ cho khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng. Phát triển 17 cụm làng nghề sản xuất các sản phẩm truyền thống như bánh gai, nem nướng, kẹo lạc, đồ gỗ gia dụng,…hướng đến sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, mang đặc trưng riêng cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế để phát huy lợi thế của Cảng hàng không Thọ Xuân và Cảng biển Nghi Sơn. Tiếp tục phát triển các sản phẩm công nghiệp có thế mạnh như may mặc, giày da, giấy, đồ gỗ, vật liệu xây dựng; tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án sản xuất hàng may mặc, giày dép xuất khẩu tại thị trấn Thọ Xuân và các xã Xuân Minh, Thọ Lộc, Thọ Hải.