Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, việc tính giá điện theo giá thị trường là đúng, tuy nhiên, muốn tính giá điện theo giá thị trường thì cần phải có thị trường cạnh tranh và giá thị trường phải hình thành trên thị trường, theo thị trường.
Theo thông báo từ Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), từ ngày 1/8, giá điện bình quân là 1.508,85 đồng/kWh, tăng 5% so với giá bán điện bình quân đang áp dụng là 1.437 đồng/kWh. Đây cũng là nội dung Thông tư số 19/2013/TT/BCT của Bộ Công thương quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện ngày 31/7.
Cũng theo EVN, việc điều chỉnh giá bán điện lần này để bù đắp một phần chi phí phát điện tăng lên do tăng giá than và tăng giá khí, đặc biệt là giá than từ ngày 20/4 tăng từ 37 đến 41% tùy từng loại than.
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, việc tăng giá điện đã được phê duyệt nên họ tăng, tuy nhiên, việc tăng này cần phải có lộ trình cụ thể để người dân, doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị trước.
|
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội. |
"Việc tăng giá điện 5% như vậy có thể tạm chấp nhận được nhưng đáng lẽ ra cần phải có lộ trình cụ thể, phải báo trước, không thể tăng đột ngột, tăng quá mạnh để doanh nghiệp người ta có thể dự kiến được trước, người tiêu dùng có thể dự tính được chi phí tiêu dùng của mình. Việc tăng giá phải hết sức thận trọng", ông Phú nói.
Một vấn đề cũng được ông Phú đặt ra, đó là minh bạch trong việc tăng giá điện. "Việc tăng giá điện 5% ở đây theo tôi cần làm rõ sự minh bạch. Việc tăng 5% như vậy là dựa trên cơ sở nào cần phải được làm rõ. Hơn nữa, như báo chí cũng đã đưa tin, họ mua điện của các doanh nghiệp ngoài ngân sách ở mức chỉ 700 đồng/kwh, vậy mà họ lại đưa ra mức giá bán gấp đôi như vậy là không được. Ở đây, cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm trong vấn đề này", ông Phú nhấn mạnh.
Ông Phú cũng cho hay, việc tính giá điện theo giá thị trường là đúng, tuy nhiên, muốn tính giá điện theo giá thị trường thì cần phải có thị trường cạnh tranh, tức là nhiều hơn một doanh nghiệp trên thị trường và giá thị trường phải hình thành trên thị trường, theo thị trường.
Cũng theo ông Phú, thực tế hiện nay, trong khi sức cầu đang yếu thì việc tăng dồn dập nhiều mặt hàng trong thời gian ngắn vừa qua sẽ tạo ra sự cộng hưởng làm cho chỉ số CPI của tháng 8 tăng nhiều hơn so với dự kiến và khả năng lạm phát vượt mức kế hoạch rất dễ xảy ra.
"Thực tế trong thời gian qua không chỉ có riêng giá điện tăng 5% mà còn giá xăng dầu cũng mới tăng gần 500 đồng, giá nhiều loại sữa cũng được báo tăng 10%, viện phí tăng, nước sạch Hà Nội, giá gas cũng được thông báo tăng 8.000 đồng/ bình...
Việc tăng dồn dập nhiều mặt hàng như vậy chắc chắn là người chịu thiệt đầu tiên sẽ là người tiêu dùng. Cuộc sống của họ đã khó khăn thì nay lại càng khó khăn hơn.
Thêm vào đó việc tăng giá dồn dập trong lúc sức cầu trên thị trường đang yếu như vậy sẽ tạo ra sự cộng hưởng kéo cầu đi xuống sâu hơn nữa. Mặt khác sự cộng hưởng này sẽ làm cho chỉ số giá tiêu dùng CPI của tháng 8 tăng nhiều hơn so với dự kiến và khả năng lạm phát vượt mức kế hoạch sẽ rất dễ xảy ra", ông Phú phân tích.
Theo dự báo của Tổ Điều hành thị trường trong nước, tháng 8, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố như thời tiết do đang trong mùa mưa bão sẽ ảnh hưởng đến giá các mặt hàng thực phẩm, tỉ giá tăng, giá nhiên liệu trên thị trường thế giới cao hơn, chuẩn bị vào mùa khai giảng. Đặc biệt là đợt tăng giá xăng ngày 17/7 đóng góp vào mức tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 so với tháng 7 là khoảng 0,1- 0,15%.
Tuy nhiên từ ngày 1/8, Hà Nội có sự điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh, Tổ điều hành dự báo, CPI tháng 8 có thể tăng gấp đôi so với dự kiến, khoảng 0,6- 0,7%. Trong trường hợp nếu tháng 8, Hà Nội chưa áp dụng việc tăng giá viện phí thì CPI chỉ dao động quanh mức 0,3- 0,4%.
Theo Trí Thức Trẻ