Hòn đảo "buồn ngủ” và những cuộc bứt phá táo bạo
Quá khứ nghèo nàn của Jeju – hòn đảo có diện tích 1.849 km2, cách đất liền Hàn Quốc khoảng 100 km, từng được đặc tả bởi những ngôi làng buồn tẻ sinh sống bằng nghề nông và đánh bắt cá. Những người đàn ông trên đảo bỏ xứ để tìm việc làm tốt hơn, và đó là lý do Jeju nổi tiếng với những ngôi làng chỉ toàn đàn bà lặn biển, kéo lưới, làm nông, trong hoang vu của gió và đá núi lửa.
Năm 1964, chính phủ Hàn Quốc triển khai 5 kế hoạch tổng thể tại Jeju, tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản: một sân bay, các cảng biển, đường sá và các điểm du lịch, nỗ lực biến đảo Jeju thành điểm du lịch quốc tế. Nhưng đáng tiếc, những nỗ lực đó không thành công. 
Sau đó, Jeju được chuyển hướng để trở thành thỏi nam châm thu hút giới đầu tư ở Đông Bắc Á. Và năm 2006, Hàn Quốc thông qua đạo luật về tỉnh tự trị, với mục tiêu biến Jeju trở thành "thành phố quốc tế tự do", cạnh tranh với Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore. Hòn đảo dành nhiều đãi ngộ cho các nhà đầu tư cả trong lẫn ngoài nước, bao gồm việc miễn thuế, trong 24 ngành trọng điểm, trong đó có du lịch.
leftcenterrightdel
  Lễ hội hoa Anh Đào Jeju. Ảnh: Internet
Sự ưu đãi này đã đem đến cho Jeju những bước tiến vượt bậc trong ngành du lịch. Bên cạnh những thắng cảnh thiên nhiên được công nhận di sản thế giới, Jeju không thiếu các bảo tàng chủ đề như bảo tàng gấu Teddy, bảo tàng sôcôla, bảo tàng búp bê giấy, bảo tàng nghệ thuật “đánh lừa”… Công viên trên đảo vô cùng đa dạng, độc đáo, từ công viên xe máy, công viên điêu khắc Jeju Love Land, lâu đài thủy tinh Jeju, tới Aqua Planet - thủy cung lớn hạng nhất châu Á... Lễ hội mùa nào cũng có, nào Lễ hội hoa cải, Lễ hội hoa anh đào, Lễ hội hái rau Gosari, Lễ hội lúa mạch Gapado tới lễ hội ánh sáng… 
Trải nghiệm trên đảo cũng vô số, từ lặn biển, cưỡi ngựa lướt trên những cánh đồng cỏ mênh mông, chơi dù lượn bay trên những đỉnh đồi gió lồng lộng, hay bay cùng khinh khí cầu ngắm cảnh đảo từ trên cao trên mặt biển xanh ngắt… Ngày xấu trời, du khách cũng không phải nằm khách sạn đếm mưa rơi, họ có thể khám phá các phòng triển lãm về tình yêu, thiên nhiên, các bảo tàng chủ đề…
leftcenterrightdel
  Biểu diễn nghệ thuật ban đêm tại Jeju. Ảnh: Internet
Đừng đếm con số khách tới hòn đảo này mỗi năm. Chỉ cần biết rằng, sân bay quốc tế Jeju là sân bay lớn thứ 3 ở Hàn Quốc, và có khoảng hơn 200 hãng hàng không hoạt động tại đây. Cũng đừng nghĩ rằng chính sách miễn visa hào phóng là động cơ chính thôi thúc hơn 15 triệu lượt khách du lịch tới Jeju mỗi năm. Và số lượng khách cũng không quan trọng bằng việc trung bình, mỗi du khách đến Jeju có thời gian lưu trú tại đây khoảng 4,39 ngày (năm 2016) và tỷ lệ khách quốc tế quay lại Jeju tăng từ 12,3% năm 2016 lên 19,8% năm 2017. Ba năm trước, chính phủ Hàn Quốc thậm chí đã tính xây dựng một sân bay mới ở miền nam Jeju, với tham vọng lượng khách du lịch tới Jeju đạt mốc 45 triệu vào năm 2035. 
Phú Quốc sẽ được như Jeju?
Xét về sức quyến rũ của thiên nhiên, Phú Quốc không thua bất cứ thiên đường du lịch nào, từ Jeju cho tới Maldives hay Bali (Indonesia), Phuket (Thái Lan)… Đảo Ngọc thậm chí đã được CNN bình chọn trong Top 19 điểm đến tốt nhất châu Á.
Từ một điểm đến cũng hoang sơ với những làng chài nghèo lúp xúp bên biển, chỉ vài năm trở lại đây, Phú Quốc thậm chí đang có xu hướng trở thành điểm đến mới của giới nhà giàu quốc tế. Đã có những đám cưới tỷ phú tại những resort sang trọng hàng đầu thế giới như JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay, khiến truyền thông trong và ngoài nước xôn xao. Đã có những công trình cáp treo Hòn Thơm ngắm biển từ trên cao đạt kỷ lục thế giới, có những nhà hàng như Pink Pearl mà chỉ giới thượng lưu mới có đặc quyền được thưởng thức những bữa ăn do các đầu bếp hạng sao Michelin thực hiện. Casino, sân golf, nhiều công trình du lịch nữa sẽ xuất hiện, khi cả trăm dự án của các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế đang được triển khai tại đảo Ngọc.
Tốc độ tăng trưởng du lịch của Phú Quốc gần đây cũng đã cho thấy một sự chuyển mình đáng kinh ngạc. Tám tháng năm 2019, Phú Quốc đón hơn 2 triệu lượt khách du lịch, tăng 35,9% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế đạt 400.000 lượt, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm 2018. 
leftcenterrightdel
Đảo Ngọc cần thêm nhiều các công trình như Cáp treo Hòn Thơm để gia tăng trải nghiệm cho du khách 
Nhưng so với con số 15 triệu lượt khách quốc tế đến Jeju mỗi năm thì mức tăng trưởng của Phú Quốc vẫn chưa xứng đáng với tiềm năng của hòn đảo.
Nếu Jeju có đa dạng loại hình và trải nghiệm du lịch, thì đến nay, du khách đến Phú Quốc vẫn chỉ loanh quanh tắm biển, ăn hải sản, thăm làng chài. Trên đảo Hòn Thơm có công viên và một Vườn thú hoang dã. Lễ hội dù nhiều nhưng đa phần gắn với văn hóa tâm linh. Đêm đến, nếu không lang thang chợ đêm Dương Đông, du khách chẳng biết làm gì hơn. Những con đường xa trung tâm nhiều nơi vẫn không bóng điện. Đó là lý do, trung bình số ngày lưu trú của du khách trên đảo lâu nay vẫn không vượt quá con số 2. 
Với những gì đang có, Phú Quốc rất cần đầu tư đa dạng hóa trải nghiệm du lịch, vui chơi giải trí, xây dựng hạ tầng cơ sở hiện đại, thậm chí cân nhắc phát triển kinh tế ban đêm tại hòn đảo du lịch đang được đề xuất trở thành thành phố, khai thác đúng nhóm khách hàng tiềm năng thì con số tăng trưởng du khách của đảo Ngọc chắc chắn không chỉ dừng ở mức 30%. Và bài toán kéo dài thời gian lưu trú, gia tăng chi tiêu của khách du lịch sẽ được giải quyết nếu du khách có đủ chỗ chơi, đủ không gian mua sắm, đủ các dịch vụ phù hợp với văn hóa từng quốc gia./.
 
PV