“Văn hóa tiêu dùng chưa định hình là cội nguồn gây ra tệ nạn xã hội” - theo TS. Phan Đăng Tuất - người đã từng có 9 năm là Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Chính sách Công nghiệp – Bộ Công Thương.
 
Thông thường, nói đến rượu bia, người ta vẫn nghĩ nó là tác nhân trực tiếp gây ra tệ nạn xã hội với hậu họa khôn lường cùng những con số khủng khiếp, đáng báo động. 
 
TS. Phan Đăng Tuất – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)
TS. Phan Đăng Tuất – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)
 
Đứng ở cương vị lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng đặc biệt, TS. Phan Đăng Tuất - Chủ tịch HĐQT của Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát  Sài Gòn (Sabeco) không ngần ngại chia sẻ với chúng tôi về vấn đề uống và lạm dụng rượu bia ở Việt Nam hiện nay.
 
Văn hóa tiêu dùng chưa định hình
 
Đã từng có 9 năm là Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp – Bộ Công Thương, theo ông: “Ngành rượu bia, nước giải khát còn rất nhiều vấn đề nan giải do tính chất ngành nghề. Có thể thấy, không ai thi nhau uống cà phê, uống nước chè hay uống nước ngọt nhưng người ta lại thi nhau đi uống rượu, bia. Đó là bởi, rượu bia thuộc sản phẩm gây hưng phấn. Khi hưng phấn không được kiềm chế, lúc đó xã hội nhìn nó một cách mặc cảm. Thực ra, bản thân bia rượu không có lỗi, nó chỉ là một chất kích thích tố cho không khí vui thêm vui, không khí buồn giảm đi. 
 
Mình vẫn nói đùa: ngay cả phát minh thuốc súng không biết bao nhiêu triệu người phản đối nhưng vẫn được công nhận là một phát minh vĩ đại. Đến ngày hôm nay, người ta vẫn làm, vẫn hoàn thiện thuốc súng huống chi ngành rượu bia. Trong khi đó, ngành thuốc súng rất ít người sử dụng, còn ngành bia có đến nửa dân số thế giới đang dùng”.
 
Bàn về nguyên nhân gây ra tệ nạn xã hội, ông cho rằng: “Về mặt ngành, rượu bia hiện đang được trân trọng, nhưng về văn hóa, đặc biệt là đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, người ta vẫn coi nó như một sự thóa mạ với đàn ông. Người xưa nói “nam vô tửu như cờ vô phong” hay “đàn ông không rượu là đàn ông chết”,… Những cái đó đã trở thành chỉ số cuộc sống của đàn ông, nó đã khiến cho bản thân những người không uống được rượu bia thấy mặc cảm. Thực ra, nếu người ta biết uống một cách văn minh sẽ khác. Tôi uống bao nhiêu là quyền của tôi: hợp khẩu vị, ngon thì uống tiếp; không ngon thì dừng; trong những trường hợp đặc biệt thì uống quá chén một chút. Mỗi nước khác nhau lại có những văn hóa uống khác nhau. Tóm lại, văn hóa tiêu dùng chưa định hình là cội nguồn gây ra tệ nạn”.
 
Nói tới đây, chúng tôi nhớ đến góp ý nhỏ của vị Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ - Phạm Tuấn Khải trong chương trình Đối thoại Chính sách thuế Tiêu thụ đặc biệt: “Cần phải tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ của việc lạm dụng rượu bia. Đó là do rất nhiều nơi người ta xem việc uống rượu như chuẩn mực đánh giá bản lĩnh đàn ông dẫn đến ép buộc, xúc phạm người uống ít…”.
 
Hướng đến tiêu dùng văn minh
 
Để giúp rượu bia đóng đúng vai trò văn minh, đúng giá trị của sản phẩm đáng được yêu mến chứ không phải sản phẩm hôm nay chúng ta đang mặc cảm, người đứng đầu của một doanh nghiệp bia lớn như Sabeco đặc biệt tâm huyết với Đề án văn hóa uống rượu bia và trách nhiệm xã hội. Ông chỉ ra rằng, hiện nay mức tiêu dùng rượu bia ở Việt Nam là cực thấp, tính ra chỉ bằng các nước đạo Hồi, mức độ uống phân bố không đồng đều nên nhiều người vẫn hiểu nhầm. 
 
“Chúng ta cứ đi các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn… thấy mọi người ngồi uống lả lơi thế thôi, chứ thực ra nhiều vùng chưa uống rượu bia” vị tiến sĩ tỉ tê.
 
Ông tin tưởng, hoạt động truyền thông trong thời gian tới sẽ được làm mạnh hơn, không chỉ đối với các doanh nghiệp bia rượu, đơn vị Hiệp hội mà nó còn được thể hiện ngay cả trong văn bản Nhà nước, hướng tới tiêu dùng văn minh chứ không hướng đến đả kích. Ông cũng hi vọng cuộc vận động sẽ đẩy lùi việc thách đố nhau sử dụng rượu bia quá mức bằng cách kêu gọi các thành viên trong Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam tham gia đóng kinh phí, hoạt động để tạo một hình ảnh mới cho ngành rượu bia, cho cộng đồng và đặc biệt là cho công luận.
 
“Bản thân rượu, bia không có lỗi”
 
Chia sẻ với chúng tôi về việc chuyển công tác từ Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp – Bộ Công Thương sang Sabeco, TS. Phan Đăng Tuất cho hay : “Đây là cơ hội tốt để mình chiêm nghiệm những chính sách vào cuộc sống như thế nào và ngược lại nắm bắt được cuộc sống thực tiễn đang cần, đang chờ đợi những chính sách gì. Đó là điều quan trọng mình hiểu ra khi vào nghề kinh doanh”.
 
 Ông khẳng định : “Bản thân rượu bia không có lỗi, vấn đề ở chính cách ứng xử của người tiêu dùng với nó. Một văn hóa tiêu dùng phù hợp sẽ không chỉ giảm sự mặc cảm với rượu bia mà còn biến rượu bia thành nhu cầu đẹp cho đời sống con người…”.

 

Theo Antt.vn