(BVPL) - Sau một thời gian ký hợp đồng, đưa 74 thiết bị GPS VN Trackinh VNT 102 của Trung tâm tin học (VNPT Hải Phòng) vào vận hành, không phát huy được hiệu quả như cam kết, đến nay Công ty TNHH vận tải đường bộ Duyên Hải (Tasa Duyên Hải) đã phát hiện các thiết bị GPS VNT 102 là những sản phẩm “tự chế”, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có tiêu chuẩn chất lượng theo cam kết bảo hành của “hãng cung cấp thiết bị” như hợp đồng đã ký.
Công ty Duyên Hải là “chuột bạch” ?
Ngày 14/11/2009, Công ty TNHH vận tải đường bộ Duyên Hải (Tasa Duyên Hải) và Trung tâm tin học – Viễn thông Hải Phòng (TTTH) ký kết Hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý phương tiện vận tải trực tuyến số 070909/HDCCDV-TTTH và các Phụ lục kèm theo. Theo đó, phía TTTH sẽ cung cấp dịch vụ quản lý phương tiện vận tải bằng cách lắp đặt thiết bị giám sát hành trình GPS (thiết bị định vị) cho 74 xe đầu kéo container. Theo tính toán, tổng giá trị của Hợp đồng số 070909/HDCCDV-TTTH và các phụ lục hợp đồng phát sinh là trên 532.777.617 đồng. Tasa Duyên Hải đã thanh toán tạm ứng 177.045.000 đồng, số tiền còn phải thanh toán là 355,732 triệu đồng sau khi trừ đi số phí giảm trừ phí do tháo thiết bị và thuế Hóa đơn bị mất sẽ còn là 346.277.867 đồng.
|
Các sản phẩm GPS VNT 102 “tự chế” mới được lắp đặt với giá 5 trệu đồng/bộ giờ phải bán lại cho chính Trung tâm tin học với giá 1,5 triệu đồng/bộ |
Theo ông Nguyễn Đình Chung – Chủ tịch HĐQT Công ty Duyên Hải cho biết: “Sau khi Trung tâm TH-VNPT bàn giao thiết bị cho chúng tôi đưa vào sử dụng thì tình trạng thiết bị xảy ra các sự cố như: xe thường xuyên mất sóng, mất tín hiệu không xác định được nhiên liệu dẫn đến các thiết bị không xác định được lỗi của xe. Về sản phẩm được bảo hành, theo hợp đồng đã ký, nhưng trên thực tế các thiết bị VNTracking 102 trên là do Trung tâm TH-VNPT tự mua ở bên ngoài vào tự lắp ráp bán cho chúng tôi, nên sau khi sử dụng chúng tôi mới được biết các thiết bị trên không đồng bộ, không ghi nơi sản xuất và khi đề cập đến phiếu bảo hành của hãng sản xuất thì Trung tâm TH-VNPT không cung cấp được, vì vậy đã vi phạm về cam kết trong Hợp đồng. Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần tạo điều kiện cho họ lắp đặt, thử nghiệm các sản phẩm, nhưng cũng không phát huy được các tính năng quản lý phương tiện vận tải như 2 bên đã cam kết.
Trong khi chúng tôi đang loay hoay với rất nhiều sự cố kỹ thuật của 74 bộ GPS do Trung tâm TH-VNPT tự chế, lắp đặt cho mình thì ngày 18/3/2011 Bộ GTVT ban hành Thông tư số 08/2011/TT-BGTVT “Quy chuẩn quốc gia về giám sát hành trình của xe ô tô”. Theo đó, Công ty Duyên Hải đề nghị Trung tâm TH-VNPT cải tiến thiết bị GPS đã lắp đặt cho xe ô tô của họ phù hợp theo quy chuẩn Thông tư 08 và xin cấp phép của Bộ GTVT, thì phát hiện các thiết bị GPS VNT102 của Trung tâm TH-VNPT không thể hợp chuẩn thiết bị được. Chúng tôi mới vỡ lẽ mình đã trở thành “chuột bạch” cho Trung tâm TH-VNPT thử nghiệm các thiết bị VNTrachkinh không rõ nguồn gốc, xuất xứ…”
Giấu nhẹm “Hãng cung cấp thiết bị”!
Sau những khúc mắc không giải quyết được, Trung tâm TH-VNPT đã khởi kiện Tasa Duyên Hải ra Tòa án quận Hải An. Do thiếu hiểu biết về pháp luật và thiếu thông tin về những sản phẩm “tự chế” này, phía Tasa Duyên Hải đã tự thỏa thuận tại tòa án và nộp thi hành án cho Chi cục thi hành án quận Hải An số tiền gần 300 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Đình Chung – Chủ tịch HĐQT Công ty Duyên Hải cho biết: “Chúng tôi liên tục đề nghị phía TTTH cung cấp nguồn gốc, xuất xứ và hãng cung cấp thiết bị cho chúng tôi và khắc phục các sự cố kỹ thuật nhưng họ không cung cấp được, chúng tôi phải mất chi phí để quản lý và theo dõi thủ công vì thiết bị GPS không phát huy tác dụng từ tháng 1/2010, vì vậy chúng tôi đề nghị chấm dứt Hợp đồng số 070909/HDCCDV-TTTH từ tháng 10 năm 2011. Yêu cầu TTTH-VNPT bồi hoàn toàn bộ các chi phí theo hợp đồng đã ký. Chúng tôi buộc phải bỏ đi toàn bộ 74 thiết bị nói trên và ký hợp đồng với đơn vị khác, gây tốn kém, lãn phí lớn trong sản xuất kinh doanh…”
Trong quá trình giải quyết vụ việc này, Tasa Duyên Hải phát hiện: tại thời điểm 14/11/2009, Trung tâm tin học không có chức năng ký Hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý phương tiện vận tải tực tuyến VnTrackinh.
Mới đây, Tasa Duyên Hải đã đem toàn bộ số thiết bị nói trên gửi đi giám định.
Ngày 25/1/2013, tại chứng thư giám định số 0172-01N/2013A của Công ty CP giám định Đại Tây Dương (ACC Control) cho biết: “ 74 bộ thiết bị GPS VN Trackinh – VNT 102 không xác định được nơi sản xuất vì không có giấy chứng nhận xuất xứ (CO) và giấy chứng nhận chất lượng (CQ). Mởi kiểm tra bên trong hộp thiết bị kết nối, thấy các linh kiện được lắp ráp trong hộp GPS và phụ kiện đi kèm được ghi sản xuất tại Trung Quốc. Căn cứ vào kết quả giám định ACC Control khẳng định 74 thiết bị nói trên chưa có cơ quan có thẩm quyền chứng nhận về dòng thiết bị kết nối GPS, chưa có có giấy chứng nhận của Bộ giao thông vận tải cấp phép cho sử dụng thiết bị kết nối GPS và không có dấu công bố hợp quy theo quyết định số 24/2007/QĐ-KHCN ngày 28/9/2007 của Bộ khoa học và công nghệ. ACC Control kết luận: Loại sản phẩm này không đủ điều kiện được lưu hành trên thị trường tại thời điểm ký hợp đồng số 070909/HĐCCDV/TTTH ngày 14/11/2009 giữa Công ty TNHH vận tải đường bộ Duyên Hải và Trung tâm tin học – Viễn thông Hải Phòng”.
Theo luật sư Nguyễn Văn Thuộm – Đoàn luật sư thành phố Hải Phòng cho biết:
“Tại điều 6, Quyết định 913/QĐ-VNPT-VT ngày 14/5/2010 của Tập đoàn VNPT quy định: “Dịch vụ VN Trackinh được triển khai chính thức từ ngày 1/6/2010 và Viễn thông Hải Phòng là đơn vị chủ quản dịch vụ VN trackinh”. Vì vậy, tại thời điểm hai bên ký hợp đồng ngày 14/11/2009 thì Trung tâm tin học không có chức năng kinh doanh dịch vụ VN Trackinh, nhưng vẫn ký Hợp đồng kinh doanh dịch vụ này với Tasa Duyên Hải là hoàn toàn trái luật. Các sản phẩm GPS VN Trackinh VNT 102 của Trung tâm tin học – VNPT không có dấu công bố chất lượng hợp quy theo Quyết định 24/2007/QĐ-KHCN ngày 28/9/2007 của Bộ khoa học và công nghệ, không có nguồn gốc, xuất xứ, không có dấu hợp chuẩn, chưa được phép lưu hành trên thị trường mà Trung tâm tin học vẫn cung cấp cho Tasa Duyên Hải là vi phạm pháp luật.
Tòa án quận Hải An thụ lý giải quyết vụ án này là không đúng thẩm quyền và Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và không đảm bảo khách quan.
Những tình tiết chứng cứ mới nêu trên, trong quá trình giải quyết vụ việc, Tòa án quận Hải An cũng như các đương sự hoàn toàn không biết. Theo quy định tại điều 307 của Bộ luật tố tụng dân sự, Viện trưởng VKSND TP Hải Phòng có quyền có quyền xem xét giải quyết kháng nghị Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự số 01/2012/QĐST-KDTM ngày 23/4/2012 của Tòa án quận Hải An để giải quyết theo trình tự tái thẩm.”
|
Báo BVPL sẽ tiếp tục phản ánh đến bạn đọc khi có thông tin mới liên quan đến vụ việc này.
Quốc Hùng –Thanh Quang