Bán hàng trực tiếp sang Hoa Kỳ
Cập nhật lúc 10:21, Thứ năm, 05/02/2015 (GMT+7)
Năm 2014, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai với kim ngạch là 3,6 tỷ USD. Hàng hóa của Đồng Nai xuất khẩu sang thị trường này phần lớn phải qua trung gian. Vì thế, mục tiêu của tỉnh là hỗ trợ doanh nghiệp trong xuất khẩu trực tiếp. ( doanh nhân, thị trường, doanh nghiệp, bán hàng)
Năm 2014, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai với kim ngạch là 3,6 tỷ USD. Hàng hóa của Đồng Nai xuất khẩu sang thị trường này phần lớn phải qua trung gian. Vì thế, mục tiêu của tỉnh là hỗ trợ doanh nghiệp trong xuất khẩu trực tiếp.
Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất thế giới nên không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mà doanh nghiệp nhiều nước khác cũng hướng đến. Hàng hóa vào được thị trường Hoa Kỳ sẽ có giá trị, thương hiệu được nâng lên và sau đó doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào các thị trường khác cũng dễ dàng hơn do tiêu chuẩn về hàng hóa của thị trường Hoa Kỳ đòi hỏi rất cao. Phía đối tác Hoa Kỳ ngoài đòi hỏi hàng đạt chất lượng cao, giá cạnh tranh thì phải thực hiện nghiêm túc những yêu cầu khác, như: thời gian làm việc, không sử dụng lao động trẻ em, nhà xưởng đảm bảo an toàn lao động, phòng chống cháy nổ và thân thiện với môi trường...
“Mỗi năm công ty xuất khẩu 14 triệu USD những sản phẩm từ gỗ sang các thị trường. Trong đó, 80% hàng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, nhưng phần lớn qua khâu trung gian chi phí cao. Nhân dịp đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ sang làm việc, công ty đã tiếp cận giới thiệu nhà máy sản xuất, các mặt hàng mong có thể liên kết đưa hàng trực tiếp vào Hoa Kỳ để tăng sức cạnh tranh” - ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty TNHH Hố Nai (TP.Biên Hòa) chia sẻ. Và với vai trò Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ Đồng Nai, ông Quý mong muốn hợp tác xuất khẩu hàng hóa trực tiếp qua Hoa Kỳ với những đơn hàng lớn để liên kết các thành viên trong hiệp hội lại. Song, xét về các tiêu chuẩn phía đối tác đề ra thì nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh khó đáp ứng nổi.
Ông Vòng Khiềng, Tổng thư ký Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai, bày tỏ: “Hơn 90% gốm sản xuất tại hiệp hội xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Úc, Canada, nhưng hầu hết xuất qua khâu trung gian. Vì thế, mặt hàng gốm thường bị phía đối tác ép giá. Các doanh nghiệp trong hiệp hội rất mong xuất khẩu hàng hóa trực tiếp. Nhưng với các yêu cầu khắt khe của đối tác Hoa Kỳ, rất ít doanh nghiệp gốm đáp ứng được”. Cơ hội cho xuất khẩu trực tiếp nhiều mặt hàng vào Hoa Kỳ không thiếu, song vấn đề nằm ở phía các doanh nghiệp trong tỉnh có đáp ứng nổi các đòi hỏi về tiêu chuẩn hay không.
Theo Báo Đồng Nai
.