Bản án tù ngộ độc thực phẩm khiến các ông chủ Mỹ lạnh gáy
Cập nhật lúc 16:21, Thứ năm, 17/12/2015 (GMT+7)
Bản án tù 28 năm mà tòa án Mỹ tuyên phạt đối với Stewart Parnell hồi tháng 10/2015 đã gây chấn động nước này vì đây là sự trừng phạt nặng nề nhất từ trước đến nay dành cho một giám đốc công ty ngành chế biến thực phẩm do hậu quả ngộ độc thực phẩm. (ngộ độc thực phẩm, Stewart Parnell, bơ đậu phộng)
Bản án tù 28 năm mà tòa án Mỹ tuyên phạt đối với Stewart Parnell hồi tháng 10/2015 đã gây chấn động nước này vì đây là sự trừng phạt nặng nề nhất từ trước đến nay dành cho một giám đốc công ty ngành chế biến thực phẩm do hậu quả ngộ độc thực phẩm.
Mặc dù nhận được 12 kết quả kiểm nghiệm dương tính với salmonella trong những năm 2007-2008 nhưng Parnell đã giấu nhẹm chúng. Trong một bức thư điện tử hôm 12/1/2009 gửi cho toàn thể nhân viên, ông ta tuyên bố: “Chúng ta chưa bao giờ tìm thấy salmonella. Không hề có khuẩn salmonella trong nhà máy cũng như trong các sản phẩm của chúng ta”.
FDA cho rằng việc “tái kiểm tra” của PCA chỉ để làm vì. Họ bình thản giao lô hàng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với salmonella mà chẳng thèm chờ kết quả tái xét nghiệm. Hơn nữa, các chuyên gia nói rằng một lô hàng đã có kết quả dương tính thì không được tái xét nghiệm, cho dù kết quả tái xét nghiệm âm tính thì vẫn không chắc chắn là lô hàng không nhiễm khuẩn nên việc hủy lô hàng là giải pháp an toàn nhất. Tuy vậy, PCA vẫn mượn cớ kết quả tái xét nghiệm âm tính để giao hàng.
Theo tờ Chicago Times, nhiều nhân viên của nhà máy Blakely tiết lộ điều kiện lao động “bẩn thỉu” tới mức họ không đời nào ăn hoặc cho con mình ăn thứ bơ đậu phộng sản xuất ở đó. Một nhân viên cho biết đã thấy một con chuột nhắt trong khay đựng đậu phộng. Một nhân viên khác nói với phóng viên ABC rằng công nhân ở đây không hề biết gì về chuyện sản phẩm của họ nhiễm khuẩn salmonella vì thông tin đó không dành cho họ.
Ở nhà máy của PCA tại Plainview (bang Texas), nơi chỉ sản xuất đậu phộng rang nguyên hạt hoặc nghiền vỡ, tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm cũng tương tự như ở Blakely mặc dù nơi đây chỉ có 30 công nhân. Một người quản lý ở đây cho biết ông từng báo cáo với Stewart Parnell về tình trạng mái nhà dột khiến nước mưa cuốn theo phân chim lọt vào trong, nhưng không thấy cấp tiền sửa chữa.
Mặc dù được mở ra từ năm 2005, nhưng cho đến khi bùng nổ vụ bê bối bơ đậu phộng chưa một lần nào nhà máy này bị thanh tra sờ tới.
Một tài liệu của Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Mỹ hôm 11/2/2009 cho thấy PCA từng xuất xưởng sản phẩm cho người tiêu thụ trước khi nhận được giấy chứng nhận kiểm định vệ sinh. Họ cũng ngưng mời kiểm định từ bên ngoài sau nhiều lần các giấy kiểm định này cho kết quả dương tính với salmonella. Một phòng thí nghiệm khai với tiểu bang của Hạ viện rằng từ năm 2006 đã biết bơ đậu phộng PCA tại Blakely nhiễm khuẩn salmonella. Tháng 2/2009 nhà máy này cũng bị đóng cửa sau khi xét nghiệm cho kết quả dương tính với salmonella.
Bàn tay công lý
Ngày 30/1/2009 Bộ Tư pháp Mỹ thông báo mở cuộc điều tra hình sự đối với PCA theo các điều khoản của Luật Liên bang về Thực phẩm, thuốc và mỹ phẩm ban hành năm 1938. Tháng 2/2009, FBI vào cuộc với lệnh khám xét nhà máy Blakely và văn phòng chính của PCA tại Lynchburg. Đầu năm 2013, bốn cựu lãnh đạo của PCA bị truy tố về 75 tội, tuy nhiên sau đó cựu giám đốc sản xuất của nhà máy Blakely Samuel Lightsey đồng ý nhận tội và đồng ý ra làm nhân chứng cho phía công tố.
Quá trình xét xử bắt đầu vào tháng 7/2014 với 45 nhân chứng và tài liệu được trình ra trước tòa. Những tài liệu này cho thấy ban lãnh đạo PCA biết rõ bơ đậu phộng của họ nhiễm khuẩn salmonella nhưng vẫn cố tình đưa chúng tới người tiêu thụ. Công tố viên liên bang yêu cầu xử Stewart Parnell tù chung thân.
Đáng tiếc là trong phiên xét xử, trước sự có mặt của nhiều người thân của các nạn nhân, các thành viên trong gia đình Stewart Parnell đã có thái độ khó chấp nhận. Đã có lúc em gái của ông ta bị mời ra ngoài vì có thái độ khiếm nhã với các nạn nhân và người thân của họ. Mẹ của Stewart Parnell xông vào phòng vệ sinh của tòa để truy hỏi một thám tử rằng: “Liệu ông sống ra sao một mình?” ám chỉ việc con trai bà ta sẽ đi tù. Trong lời phát biểu trước tòa, bà ta xoáy vào chuyện tiền mà quên đi những đau khổ mà các nạn nhân phải chịu đựng do hành động của con mình. “Con tôi mất tiền, mất mọi tài sản, và tệ hơn cả là mất đi sự hãnh diện của nó”. Mỉa mai thay, một trong những nhãn hiệu bơ đậu phộng bị nhiễm khuẩn salmonella lại có tên “Niềm hãnh diện của gia đình Parnell”.
Ông chủ của PCA từng được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ bổ nhiệm vào Ban Tiêu chuẩn Đậu phộng của Bộ này vào năm 2005. Lẽ ra, Stewart Parnell đã có thể được tái bổ nhiệm vào năm 2011 nếu như không xảy ra vụ bê bối bơ đậu phộng.
Theo NTD
.