(BVPL) - Có thể nói, trong cuộc sống, có nhiều cái “đương nhiên” (là những nguyên tắc, luật lệ, luật pháp…) đã bị cái “tuy nhiên” (là những cái nằm ngoài những nguyên tắc, luật lệ, luật pháp…) phủ định. Và việc thay đổi “tùy hứng” này để lại những nguy cơ, hậu quả ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội và môi trường.

 


Theo tính toán của Bộ Công thương, nếu dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội được phê duyệt, sau khi đi vào hoạt động, sản phẩm của nhà máy này sẽ bù vào lượng thiếu hụt phục vụ cho nhu cầu trong nước của các dự án khác đã triển khai trước đó, còn lại sẽ xuất khẩu... Theo dự đoán, sản phẩm lọc hóa dầu sử dụng trong nước đến năm 2020 sẽ thiếu hụt khoảng 5 triệu tấn, đến năm 2025 thiếu hụt 1 triệu tấn. Nhưng thực tế, hầu hết các nhà máy đang triển khai chậm tiến độ nên con số sản phẩm thiếu hụt có thể sẽ lớn hơn. Tuy nhiên, nếu Nhà máy lọc hóa dầu Nhơn Hội đi vào hoạt động ở các thời điểm tương ứng, sản phẩm dư thừa lần lượt sẽ là 7 triệu tấn và 11 triệu tấn/năm (Trường hợp công suất của nhà máy này là 33 triệu tấn/năm như báo chí phản ánh thì sản phẩm dư thừa phải xuất khẩu sẽ từ 28 đến 32 triệu tấn/năm). Vì vậy, việc chấp thuận dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội chắc chắn dẫn đến việc sản phẩm bị dư thừa nhiều, điều này đồng nghĩa với việc nước ta phải hứng chịu những ảnh hưởng, thiệt hại về ô nhiễm môi trường và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam.

Từ việc mở rộng đầu tư các nhà máy lọc hóa dầu, người ta liên tưởng đến nền công nghiệp xi măng hiện nay sau một thời gian phát triển ồ ạt đã tạo ra sự khủng hoảng thừa, thậm chí “chảy máu” tài nguyên quá lớn và Nhà nước phải bù lỗ quá cao do phải bán xi măng với giá rẻ, chưa nói đến việc tàn phá cảnh quan, ảnh hưởng xấu đến môi trường...

Mong rằng Bộ Công thương sớm có giải trình kịp thời, minh bạch để người dân yên tâm về việc thực hiện quy hoạch phát triển ngành lọc hóa dầu. Chính phủ cũng cần kiểm tra xem xét một cách toàn diện trên nguyên tắc lợi ích quốc gia theo hướng phát triển nền kinh tế đất nước nhanh, bền vững và không thể xem nhẹ các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường.
 

Phạm Ngọc - Ngọc Diệp

.