Bách hóa Xanh: Át chủ bài của Thế giới di động?
Cập nhật lúc 14:16, Thứ tư, 21/10/2015 (GMT+7)
CTCP Đầu tư Thế giới di động (TGDD) vừa công bố thông tin sẽ triển khai hệ thống các cửa hàng bán lẻ thực phẩm mang tên Bách hóa Xanh. Đây sẽ là hướng đi chiến lược từ năm 2017 của công ty khi doanh số điện máy và điện thoại di động được dự báo sẽ chững lại do thị trường dần bão hòa. ( điện máy xanh, cửa hàng bán lẻ, thế giới di động)
CTCP Đầu tư Thế giới di động (TGDD) vừa công bố thông tin sẽ triển khai hệ thống các cửa hàng bán lẻ thực phẩm mang tên Bách hóa Xanh. Đây sẽ là hướng đi chiến lược từ năm 2017 của công ty khi doanh số điện máy và điện thoại di động được dự báo sẽ chững lại do thị trường dần bão hòa.
Dù được TGDĐ đánh giá là mảng phát triển chiến lược từ 2017 trở về sau, dường như công ty của ông Nguyễn Đức Tài vẫn đang “mò mẫm” trong việc tìm hướng đi thích hợp cho hệ thống cửa hàng bán lẻ thực phẩm Bách hóa Xanh.
Tại buổi tiếp xúc với nhà đầu tư, ông Nguyễn Đức Tài đã chia sẻ thẳng thắn rằng TGDĐ chỉ đầu tư thử 50 tỷ đồng cho hệ thống Bách hóa Xanh vì công ty vẫn chưa chắc chắn sẽ thành công với mô hình đang chọn.
Nhiều nhà đầu tư cũng đặt câu hỏi với ông Nguyễn Đức Tài rằng liệu TGDĐ có đang theo bước chân của G7 Mart - mô hình cửa hàng bách hóa của Trung Nguyên đã nhanh chóng thất bại khi mới bắt đầu triển khai vào năm 2006. Ông Tài cho rằng TGDĐ chưa từng nghiên cứu sự thất bại của G7 Mart vì luôn hướng đến những mô hình hoạt động hiệu quả. Theo đó, Bách hóa Xanh được bật mí là sẽ đi theo mô hình mini-mart với thời gian mở cửa dự kiến từ 6 giờ-22 giờ (khác với việc mở cửa 24/7 của các cửa hàng tiện lợi như Circle K, Family Mart…).
“Hình thức mini-mart rất phù hợp với những quốc gia có mật độ dân số đông và tốc độ đô thị hóa cao như Việt Nam và Indonesia. Do đó, chúng tôi đang học hỏi phương thức xây dựng hệ thống các cửa hàng thực phẩm theo mô hình của AlfaMart, Alfamidi của tỷ phú Indonesia, ông Djoko Susanto”, ông Nguyễn Đức Tài cho biết.
Theo đó, “nhanh và rẻ” được TGDĐ cho biết là chủ trương của chuỗi Bách hóa Xanh. Ông Tài cho biết người dân mua hàng chỉ mất từ 10-15 phút để mua đủ số lượng mong muốn thay vì mất từ 1-2 giờ khi đi siêu thị với giá bán các mặt hàng rẻ hơn hoặc bằng so với các siêu thị khác. Tuy nhiên, với việc chỉ là chuỗi hệ thống bán lẻ, không có vùng nguyên liệu để cung cấp nguồn hàng riêng, giá cả rẻ khó là yếu tố cạnh tranh chính của Bách hóa Xanh khi so sánh với những đối thủ trên thị trường như Co.op Food của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) và chuỗi cửa hàng bách hóa của Công ty TNHH MTV Kỹ nghệ Súc sản (Vissan).
Với mục tiêu xây dựng 100 siêu thị trên toàn quốc, 150 cửa hàng thực phẩm an toàn tiện lợi Co.op Food trong năm 2015, Saigon Co.op đang cho thấy tham vọng chiếm lĩnh thị trường mini-mart. Với việc mở rộng sang bán các sản phẩm tiêu dùng khác ngoài thực phẩm tươi sống và đông lạnh, Vissan cho thấy mình cũng là đối thủ đáng gờm trong thời gian sắp tới.
Ngoài ra, chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi Vinmart, Vinmart+ kết hợp cùng sàn thương mại điện tử Adayroi đang được Tập đoàn Vingroup đẩy mạnh triển khai cũng sẽ là đối thủ cạnh không thể xem thường cho TGDĐ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Tài cho rằng thị trường thực phẩm tươi sống và tạp hóa tại Việt Nam chủ yếu tập trung ở các cửa hàng nhỏ lẻ. Do đó, hướng đi của Bách hóa Xanh là “không sợ đụng hàng” trong thị trường bán lẻ tiêu dùng đầy tiềm năng, đặc biệt là tại các khu vực ngoại thành.
Theo NTD
.