"Cái chính là hiệu quả kinh doanh chứ không phải là tăng vốn cho SCIC. Hướng cơ bản của SCIC kể cả nếu như muốn tăng vốn thì phải bằng cách bán bớt các doanh nghiệp, chứ không cần thiết phải giữ số vốn lớn của Nhà nước. Đấy là hướng chính và không nên tăng thêm vốn cho SCIC làm gì." - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét.
Cuối tháng 8/2013, Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Theo dự thảo, vốn điều lệ của SCIC sẽ nâng lên 40.000 tỷ đồng, thay vì 5.000 tỷ đồng khi mới được thành lập theo quyết định của Thủ tướng vào năm 2005.
Giống trước đây, SCIC tiếp tục hoạt động với mục tiêu kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước. Tuy nhiên, dự thảo lần này mở rộng thêm các hoạt động đầu tư kinh doanh.
Theo đó, SCIC ngoài tư vấn, quản lý, sử dụng vốn để sắp xếp hỗ trợ doanh nghiệp sẽ được đầu tư tài chính vào công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán cũng như các định chế tài chính khác...
|
Cái chính là hiệu quả kinh doanh chứ không phải là tăng vốn cho SCIC... |
* Bộ Tài chính vừa đề xuất nâng vốn điều lệ của SCIC lên 40.000 tỷ đồng thay vì 5.000 tỷ như trước đây. Dưới góc độ kinh tế, bà đánh giá thế nào về đề xuất này của Bộ Tài chính?
- Tôi nghĩ với SCIC vấn đề chính không phải là số vốn bao nhiêu mà là hoạt động như thế nào vì vừa qua đã có chuyện SCIC mang tiền đi gửi ngân hàng trong lúc rất nhiều doanh nghiệp đang khó khăn, thiếu vốn.
Thực tế, SCIC đang nắm một số lượng doanh nghiệp quá lớn và không cải cách được, không bán được bớt đi. Cũng chính một lãnh đạo SCIC đã phát biểu với báo chí, thừa nhận tình trạng ôm một số lượng quá lớn doanh nghiệp. Cả mấy trăm đơn vị, trong đó có những đơn vị của Nhà nước mà không cần thiết phải giữ số vốn lớn.
Bởi vậy, theo tôi, hướng cơ bản của SCIC kể cả nếu như muốn tăng vốn thì phải bằng cách bán bớt các doanh nghiệp, chứ không cần thiết phải giữ số vốn lớn của Nhà nước. Đấy là hướng chính chứ không phải là tăng thêm vốn cho SCIC làm gì.
* Vào tháng 4/2013, SCIC đã gây xôn xao dư luận khi mang 19.600 tỷ đồng đi gửi ngân hàng để lấy lãi. Còn Bộ Tài chính vẫn khẳng định SCIC làm đúng luật, thậm chí là tỉnh táo, biết bảo toàn vốn. Với việc SCIC tiếp tục được nâng vốn lên 40.000 tỷ đồng đã khiến nhiều người lo ngại, liệu doanh nghiệp này có tiếp tục mang tiền Nhà nước đi gửi ngân hàng? Bà đánh giá thế nào về lo ngại này?
- Tôi cho rằng nếu Bộ Tài chính quan niệm như vậy thì luật là nằm trong tay họ, muốn bảo thế nào là đúng, thế nào là sai cũng được. Nhưng nhìn lại xem, mục tiêu hoạt động của SCIC là gì? và hoạt động của nó có đúng với mục đích hay không? thì mới phán xét được. Chứ không phải là sử dụng vốn và bảo toàn vốn.
Như tôi đã nói, cái chính là hiệu quả kinh doanh. Mục đích chính của SCIC không phải là nhiều vốn để làm gì cả, mà là nắm giữ một số doanh nghiệp của Nhà nước đã được cổ phần hóa, giúp Nhà nước quản lý những doanh nghiệp đó và đầu tư cho những đơn vị đó tốt hơn.
Vậy để quản lý những cái cũ và thực hiện đầu tư cho tốt hơn thì tốt nhất là giảm bớt đi số cổ phần của Nhà nước mà Nhà nước đang nắm. Còn đối với những đơn vị không cần thiết thì Nhà nước có thể bán thẳng nó ra thị trường, chứ đừng giữ làm gì.
Nhà nước cũng nên giảm bớt số doanh nghiệp mà SCIC quản lý. Bằng cách giảm bớt cổ phần tại đây thì SCIC đã có thể tăng vốn rồi. Thêm vào đó, số vốn được tăng lên phải đầu tư vào những nơi thật thích đáng.
* Theo ý kiến của bà, chúng ta không nên tiếp tục rót vốn cho SCIC. Vậy nếu không tăng vốn thì với một lượng lớn các doanh nghiệp mà SCIC đang nắm giữ như hiện nay liệu có cơ hội được đầu tư?
- Như tôi đã nói, vấn đề không phải là vốn mà là hoạt động kinh doanh như thế nào. Thực tế, thời gian vừa qua SCIC đã hoạt động không hiệu quả.
Lấy ví dụ như SCIC đầu tư vào Vinaconex. Bỏ hàng nghìn tỷ đầu tư vào đấy, trong khi bản thân toàn ngành xây dựng đang ở trong giai đoạn hết sức khó khăn, giai đoạn thoái trào do xây dựng đạt hiệu quả thấp. Chính điều này đã đặt ra bao nhiêu vấn đề, mà SCIC lại còn đổ tiền đầu tư vào nó cả nghìn tỷ. Việc đầu tư này hoàn toàn là lãng phí và không cần thiết.
Còn với những đơn vị lớn Vinamilk chẳng hạn, có khả năng kinh doanh tốt, hoàn toàn có thể đưa ra thị trường chứ không cần phải nắm giữ làm gì. Nhưng SCIC vẫn cố giữ lấy Vinamilk. Phải chăng điều này là vì lợi ích của SCIC hơn là thực tế lợi ích của Vinamilk khi đưa ra thị trường?
Tôi cho cơ bản hoạt động của SCIC cần cơ cấu lại theo hướng đó chứ không phải tăng vốn.
* Xin chân thành cảm ơn bà!
Theo Duyên Duyên
Đất Việt