Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm, Chính phủ nhận định, kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, kết quả tháng 7 tốt hơn tháng 6. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh buổi họp báo Thường kỳ Chính phủ ( ảnh: T.D) 

Cụ thể, CPI tháng 7/2018 giảm 0,09% so với tháng trước sau 3 tháng tăng liên tiếp (tháng 4 tăng 0,08%; tháng 5 tăng 0,55%; tháng 6 tăng 0,61%). CPI bình quân 7 tháng năm 2018 tăng 3,45%, thấp hơn mức tăng 3,91% của cùng kỳ năm trước.

Đáng nói, khu vực kinh tế tư nhân cải thiện tích cực, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 7 tháng đạt 75.793 doanh nghiệp (tăng 3,9% so với cùng kỳ 2017). Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 7 tháng là 18.696 doanh nghiệp (tăng 6,5% so với cùng kỳ).

Bên cạnh những kết quả tích cực, các thành viên Chính phủ cũng nhận định, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn không ít hạn chế yếu kém và khó khăn thách thức, cần tập trung giải quyết; thảo luận, bàn kỹ để đưa ra biện pháp, đối sách cụ thể, kịp thời, chủ động.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu tiếp tục bám sát và triển khai các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP, đồng thời lưu tâm tới một số yếu tố như bối cảnh kinh tế thế giới, xung đột thương mại giữa các nước, biện pháp bảo hộ thương mại của các đối tác lớn, diễn biến điều chỉnh lãi suất của Mỹ, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ tại các nước, diễn biến giá dầu thế giới,...

Đồng thời, kiên định, kiên trì mục tiêu bảo đảm giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới 4%. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, tăng năng suất lao động, cải cách thể chế, cải cách doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp tư nhân, khởi nghiệp, cơ cấu lại nợ công.

Đặc biệt, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong phiên họp này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã rất quyết liệt trong xử lý các vụ việc tiêu cực, gian lận thi cử tại một số địa phương (Hà Giang, Sơn La) gây ảnh hưởng đến niềm tin xã hội.

Thủ tướng nêu rõ, các bộ, ngành liên quan đã vào cuộc xử lý rốt ráo, quyết liệt, triệt để để lấy lại niềm tin của nhân dân và xã hội; nhấn mạnh yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm. Đồng thời lưu ý Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) rà soát các cách thức tổ chức thi, đưa ra các giải pháp trước mắt, trung hạn và dài hạn, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sau.

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ: sẽ căn cứ vào kết quả điều tra cuối cùng của cơ quan Công an để có phương án xử lý phù hợp, bảo đảm công bằng cho các thí sinh ( ảnh: T.D)

Liên quan đến vấn đề này, trả lời câu hỏi của báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, đối với vụ gian lận ở tỉnh Sơn La, hiện nay Bộ GD&ĐT đang tích cực phối hợp với sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị chuyên môn của Bộ Công an, sử dụng các phương tiện, thiết bị hiện đại để phục hồi điểm gốc. “Chúng tôi sẽ căn cứ vào kết quả điều tra cuối cùng của cơ quan Công an để có phương án xử lý phù hợp, bảo đảm công bằng cho các thí sinh”- ông nói.

Về việc chấm thẩm định lại tất cả các địa phương, và kết quả chấm lần này được coi là kết quả cuối cùng theo như các địa phương đã báo cáo. “Nếu các địa phương phát hiện ra sai phạm thì Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương làm việc với cơ quan Công an địa phương trực tiếp xử lý theo đúng quy định, bảo đảm công bằng cho các thí sinh, không có vùng cấm, xử lý nghiêm tất cả các trường hợp sai phạm”- ông cho biết thêm.

Về hướng khắc phục trong kỳ thi năm tới, ông Độ Cho hay sẽ gồm có 4 nội dung đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT báo cáo trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018. Theo đó Bộ GD&ĐT sẽ rà soát toàn bộ quy trình, các khâu coi thi, chấm thi để hoàn thiện cho phù hợp.

Cùng với đó, nâng cao nghiệp vụ thi đồng thời nâng cao năng lực, đạo đức của các bộ làm nhiệm vụ tại kỳ thi, nhấn mạnh sự trung thực, đạo đức của những cán bộ làm nhiệm vụ trong kỳ thi; hoàn thiện phần mềm chấm thi để những đối tượng có ý đồ xấu cũng khó có thể thực hiện; phương thức tổ chức chấm đối với bài thi trắc nghiệm có thể hướng tới chấm tập trung, theo cụm.

Đại diện Bộ Công an, Thứ trưởng Bùi Văn Nam khẳng định, Bộ GD&ĐT và Bộ Công an ngay từ đầu khi phát hiện sai phạm đã phối hợp chặt chẽ, xử lý cương quyết và rất kịp thời.

“Đối với Sơn La ngày 26/7, sau khi phát hiện sai phạm quy chế, có dấu hiệu hình sự, chúng tôi đã khởi tố vụ án. Sau khi khởi tố vụ án hình sự, chúng tôi thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến một số người. Chiều hôm qua, ngày 31/7, cơ quan điều tra an ninh của Công an Sơn La đã khởi tố 5 bị can”- Thứ trưởng Bùi Văn Nam thông tin.

Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho hay, tới thời điểm này, cơ quan điều tra đang quyết liệt cùng với các cơ quan chức năng làm rõ những vi phạm pháp luật của những bị can này. “Việc điều tra làm rõ những vi phạm đó cần có thời gian và có những việc chưa thể nói với báo chí lúc này. Nhưng chúng tôi cùng với Bộ GD&ĐT sẽ làm nghiêm túc, khẩn trương, đúng pháp luật và ai vi phạm đến đâu pháp luật sẽ xử lý đúng đến đó”- ông khẳng định.

Thanh Dịu