“17 năm trước, bia tưởng niệm đã được dựng lên ở nơi đây, để rồi, vào dịp lễ tưởng niệm lần thứ 45 của vụ thảm sát, chúng tôi đã tìm đến đây để dâng hương, cúi đầu tủi hổ. Thời gian thấm thoát, hôm nay đã là ngày tưởng niệm tròn 50 năm. Và chúng tôi vẫn tìm về, vẫn cúi mặt trong niềm hổ thẹn khôn nguôi. Đứng trên mảnh đất nơi từng là hiện trường của một vụ thảm sát tang thương tột cùng, không thể tin và cũng không muốn tin này. Chúng tôi không cất nổi thành lời, dù chỉ là một lời xin lỗi, chỉ còn biết gồng mình cố nén tiếng khóc cứ chực vỡ òa ra. Biết làm sao để được thứ tha?! Hỡi những sinh mệnh đáng thương chưa sống trọn kiếp người. Chỉ còn lại cái tên, mà đâu chỉ vậy, có những người còn chưa kịp có tên để lưu lại trên bia đá lạnh, Biết phải làm gì để được thứ tha?.

leftcenterrightdel
 Ông KANG U IL

Hỡi những bà con làng Hà My đã mất đi ruột thịt yêu thương, cùng anh em, chòm xóm! Chúng tôi biết lấy gì để có thể xoa dịu, ủi an? Chẳng còn biết làm gì ngoài một tấm lòng thành tâm tưởng niệm, cầu xin sự siêu thoát cho những vong linh của làng Hà My. Tủi hổ càng thêm tủi hổ. Vụ thảm sát xảy ra đến nay đã tròn nửa thế kỷ. Nhưng có lẽ sức chúng tôi vẫn còn non yếu. Nên ngần ấy thời gian đã trôi qua mà chúng tôi vẫn còn dậm chân tại chỗ trước lịch sử, trước sự thật. Sự thật về một ngày đã phủ bóng đêm đen tối lên làng Hà My năm Mậu Thân 1968. Mà mãi đến ngày tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát năm 2018 hôm nay. Vẫn còn bị chôn ngầm dưới tấm hoa cương chạm vẽ hoa sen nọ. Dù quá khứ có hổ thẹn đến đâu. Thì sự thật vẫn cần được đưa ra ánh sáng một cách toàn vẹn nhất. Để rút ra từ đây bài học lịch sử cho những sai lầm này không còn lặp lại về sau. Bởi chỉ khi chúng ta thắt một nút kết đúng đắn cho quá khứ thì nút kết ấy mới có thể trở thành bàn đạp của tương lai. Hướng chúng ta về một sự hòa giải và một nền hòa bình chân chính.

leftcenterrightdel
Những người Hàn Quốc đã đến đây để nói lời xin lỗi 

Xin lỗi. Thành thật xin lỗi. Chúng tôi sẽ không quên. Chúng tôi sẽ luôn khắc nhớ. Và xin hứa. Giây phút cử hành lễ tưởng niệm 50 năm thảm sát Hà My này sẽ là sự khởi đầu cho nửa thế kỷ tới của một nền hòa bình mới”.

Ông KANG U IL phát biểu như vậy trên lễ đài. Phía dưới lễ đài những người Hàn Quốc đi cùng đoàn cúi đầu trước vong linh của 135 người dân vô tội bị sát hại trong năm Mậu Thân 1968. Đoàn Hàn Quốc tới lễ tưởng niệm lần này gồm 41 người đại diện cho cộng đồng giáo sư, thầy thuốc, giáo viên, nông dân, văn nghệ sỹ, học sinh sinh viên và những nhà hoạt động xã hội Hàn Quốc. Ông KIM HYUN KWON - Đại biểu Quốc hội Hàn Quốc cũng có mặt tại đây.

Về việc tổ chức buổi lễ tưởng niệm, ông KANG U IL cho biết, ông cùng đoàn tới đây là để gửi lời xin lỗi đến những người dân vô tội bị thảm sát và người thân của họ cùng toàn dân Việt Nam. “Ở đâu đó trên đất nước Hàn Quốc còn những người chưa biết đến vụ thảm sát này hoặc chưa tin vào sự thật này. Chúng tôi muốn những người ở đất nước tôi biết đến sự thật này mặc dù nó rất đau lòng. Chúng tôi muốn xóa bỏ hằn thù và mang thông điệp hòa bình và hòa hợp”. Ông KANG U IL nói.

leftcenterrightdel
 Chuẩn bị lễ cầu siêu tại lễ tưởng niệm

Năm 1968, quân đội Đại Hàn (Nam Triều Tiên) đã thảm sát 135 nạn nhân xóm Tây thuộc làng Hà My (xã Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam). Chiến tranh đã lùi xa, đau thương đã nguôi dần, với những hành động của người dân Hàn Quốc như ông KANG U IL, những người dân Hà My đã phần nào tha thứ cho tội ác của quân lính trong Lữ đoàn Rồng Xanh. Người dân Hà My nay cùng chung tay với những người dân yêu chuộng hòa bình thế giới, trong đó có người dân yêu chuộng hòa bình Hàn Quốc để cùng chung sức cho một tương lai mới, cho một thế giới không chiến tranh.

Xuân  Nha