Mở rộng điều tra vụ án tham nhũng xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines), Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam đối với Bùi Thị Bích Loan (thành viên ban quản lý dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, nguyên trưởng ban tài chính kế toán Vinalines); Lê Văn Dương (đăng kiểm viên thuộc Cục Đăng kiểm VN); Huỳnh Hữu Đức (nguyên phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa); Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện (đều là nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong) về hành vi “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

 
 
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can (cho tại ngoại) đối với ông Mai Văn Khang (thành viên ban quản lý dự án), khởi tố bổ sung đối với ông Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, bị can trong vụ án bị khởi tố về tội tham ô tài sản) về tội danh trên.
 
Trong quá trình điều tra vụ án tham nhũng xảy ra tại Vinalines, cơ quan điều tra xác định có nhiều hành vi sai phạm trong các hạng mục lập báo cáo khảo sát, báo cáo giám định ụ nổi 83M, cho phép nhập khẩu, thông quan ụ nổi và thanh toán hợp đồng mua ụ nổi trái quy định của pháp luật.
 
Cụ thể, ông Lê Văn Dương khi đó được Cục Đăng kiểm VN cử tham gia cùng các ông Trần Hữu Chiều (phó tổng giám đốc Vinalines, bị can trong vụ án), Trần Hải Sơn, Mai Văn Khang, Trịnh Lương Quang (cán bộ Công ty cổ phần Phát triển hàng hải) sang Liên bang Nga khảo sát, giám định tình trạng kỹ thuật và hồ sơ pháp lý ụ nổi 83M. Các thành viên này đều biết ụ nổi 83M quá tuổi, tình trạng kỹ thuật không đảm bảo sử dụng được. Đồng thời cũng xác định ụ nổi thuộc quyền sở hữu của Công ty Nga Nakhodka chứ không phải của Công ty AP như thông tin ban đầu và giá chào bán của Nakhodka là 5 triệu USD.
 
Khi về nước, các bị can này có báo cáo với các ông Dương Chí Dũng (chủ tịch HĐQT) và Mai Văn Phúc (tổng giám đốc Vinalines) đúng về tình trạng ụ nổi như đã khảo sát. Tuy nhiên, sau đó các bị can lại lập báo cáo khác không đúng như kết quả khảo sát để trình lên lãnh đạo công ty theo sự chỉ đạo từ cấp trên.
 
Tháng 6-2008, ụ nổi 83M được lai dắt về VN, làm thủ tục nhập khẩu tại Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Bị can Lê Ngọc Triện khi đó được giao kiểm tra chi tiết hồ sơ, bị can Lê Văn Lừng là cán bộ kiểm hóa thực hiện kiểm tra làm thủ tục nhập khẩu để trình ông Huỳnh Hữu Đức duyệt quyết định cho nhập khẩu. Quá trình kiểm tra, ông Triện, ông Lừng và ông Đức biết hồ sơ ụ nổi không đủ điều kiện nhưng vẫn cho làm thủ tục nhập khẩu.
 
Sau khi mua ụ nổi, Vinalines đã làm thủ tục thanh toán hợp đồng. Bà Bùi Thị Bích Loan khi đó là trưởng ban tài chính kế toán Vinalines biết quá trình đầu tư dự án nhà máy, lựa chọn nhà thầu, đầu tư mua ụ nổi không đầy đủ, có nhiều mâu thuẫn nhưng không ngăn chặn việc thanh toán, vẫn để ông Trần Hữu Chiều ký văn bản đề nghị, ông Mai Văn Phúc ký văn bản chỉ định, chấp thuận Ngân hàng Citibank thanh toán tiền cho Công ty AP trái quy định.
 
Hành vi của các bị can trong vụ án này đã gây thiệt hại cho Nhà nước khoảng 480 tỉ đồng. Từ khi nhập khẩu ụ nổi về đến tháng 4-2010, Vinalines phải chi 30 tỉ đồng tiền thuê chỗ neo đậu, bảo vệ, trực sự cố cho ụ nổi tại cảng Gò Dầu và hơn 70 tỉ đồng tiền trả lãi vay ngân hàng cho khoản tiền mua, sửa chữa ụ nổi 83M, gây thiệt hại 100 tỉ đồng và đến nay vẫn phải tiếp tục chi cho các khoản này.
 
MINH QUANG
Tuổi trẻ Online
.