Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga, vụ chôn hóa chất độc hại ở Công ty Nicotex Thanh Thái đã có đầy đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự.
 
 
Phải quy rõ trách nhiệm trong viêc tại sao từ năm 2008 đến nay có tới 10 đoàn đến DN này để làm việc mà không phát hiện, hoặc phát hiện nhưng chưa đủ mức độ sai phạm, liên tục xử lý hành chính mà không đề xuất hình thức xử lý nặng hơn, để sai phạm nghiêm trọng kéo dài suốt nhiều năm.
 
 Có những căn cứ cho thấy một số cán bộ thanh tra, kiểm tra cả trung ương và địa phương chưa làm hết trách nhiệm, thậm chí còn có dấu hiệu bao che: Chẳng hạn, năm 2010 Cục bảo vệ thực vật đã về thanh tra. Nhưng rất khó hiểu là "kết thúc thanh tra không có tài liệu phản ánh về kết quả xử lý". Tại sao lại có chuyện lạ này? Không lẽ mới chỉ chưa đầy ba năm mà tài liệu đã bị hủy?Sở TN&MT Thanh Hóa cũng có tới 4 đợt kiểm tra trong 4 năm nhưng kết quả cũng lại là xử lý hành chính, nhắc nhở, chấn chỉnh vi phạm 2 lần,một lần phạt 12 triệu đồng, tại sao liên tục sai phạm mà không đề nghị tạm đình chỉ hay đình chỉ hoạt động?
 
Đáng chú ý, ngày 19/4/2012, Chi cục Bảo vệ thực vật tiến hành kiểm tra, đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng cơ sở, kết luận Công ty thuộc cơ sở loại A, với thực trạng sai phạm như vậy, phải chăng, kết luận này đã "đóng dấu chất lượng", hợp pháp hóa cho vi phạm? Những cán bộ công chức này là những người có quyền, và quyền hạn đó phải đi đôi với trách nhiệm nên không thể được coi là vô can trong vụ việc này.
 
Điều 127 Luật bảo vệ môi trường đã quy định rõ hình thức chế tài trong các trường hợp này là tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính, xử lý hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường.
 
Tại sao chúng ta có đầy đủ lực lượng chức năng , mà cuối cùng khi có sự việc xảy ra thì chính người dân lại phải cùng nhau viết đơn khiếu nại, thay phiên nhau bảo vệ hiện trường, ngăn chặn việc chuyện tẩu tán tang chứng, vật chứng?
 
- Đúng là hình ảnh người dân tự phát, thay phiên canh gác hiện trường vụ sai phạm khiến chúng ta phải tự hỏi là tại sao người dân lại phải tự đứng ra bảo vệ mình như vậy, nhất là trong môi trường rất độc hại, nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng bản thân?
 
Đó là hệ quả của việc một số cán bộ trực tiếp thực thi công vụ đã có những hành vi khiến cho người dân mất đi niềm tin về việc: vụ việc sẽ được xử lý khách quan, nghiêm minh. Có lẽ họ mất niềm tin trước những kết quả xử lý ngay từ những khâu đầu tiên: chậm xử lý đơn thư của dân, thanh tra, kiểm tra không nghiêm, có dấu hiệu bao che, có những dấu hiệu thiếu trách nhiệm của công an xã...
 
Tất cả những việc làm của dân như canh gác hiện trường, tìm kiếm hố chôn hóa chất, ngăn chặn xe chở hóa chất, tìm kiếm luật sư….đều thể hiện sự e ngại, rằng biết đâu vụ việc lại sẽ bị chìm xuồng. Vừa rồi, đoàn ĐBQH Thanh Hóa đã đi tiếp xúc cử tri, lắng nghe thông tin. Tuy nhiên, với kết quả hiện nay, tôi cho rằng lãnh đạo, chính quyền, cơ quan chức năng cấp tỉnh, đoàn ĐBQH đã khá tích cực và khẩn trương xử lý.  Mong cơ quan chức năng giải quyết sớm.
 
Việc xử lý kịp thời, nghiêm minh vừa đạt mục đích trừng phạt, bồi thường đích đáng cho thiệt hại của người dân, nhưng vừa có tác dụng cảnh báo, răn đe những trường hợp chưa chưa bị phát giác.
 
Theo Vietnamnet
.