Sáng nay, 5-11, Quốc hội đã nghe Tờ trình về dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Theo đó Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị sau khi thông qua Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân vào kỳ họp thứ 9 thì tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ tiến hành thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia.
 
Cử tri bản Khoang Thèn, xã Pa Vệ Sủ và CBCS Đồn Biên phòng 307 (huyện Mường Tè), Lai Châu bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp. (Ảnh: Tuấn Phương)
Cử tri bản Khoang Thèn, xã Pa Vệ Sủ và CBCS Đồn Biên phòng 307 (huyện Mường Tè), Lai Châu bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp. (Ảnh: Tuấn Phương)
 
Theo tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cho biết, Hội đồng bầu cử quốc gia là một thiết chế mới được quy định trong Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội bầu theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội; danh sách các thành viên của Hội đồng bầu cử quốc gia (Phó Chủ tịch và các Ủy viên) do Quốc hội phê chuẩn.
 
Để phục vụ cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị sau khi thông qua Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân vào kỳ họp thứ 9 thì tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ tiến hành thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia.
 
Trên cơ sở quy định của Hiến pháp và các nghiên cứu, đề xuất của Ban soạn thảo dự án luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia thành một mục riêng trong chương III của Luật; Theo đó, dự thảo Luật đã thể chế hóa thành 8 điều, cụ thể là: quy định cơ cấu, tổ chức của Hội đồng bầu cử quốc gia; nguyên tắc hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia được quy định theo hướng cơ bản kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử ở trung ương trong Luật bầu cử hiện hành, với ba nhóm nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến công tác bầu cử, bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Dự thảo Luật cũng đã quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng bầu cử quốc gia; mối quan hệ công tác; bộ máy giúp việc của Hội đồng bầu cử quốc gia.
 
Báo cáo Thẩm tra dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân của Ủy ban pháp luật cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Luật về cơ cấu, tổ chức cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần được tiếp tục rà soát, làm rõ thêm các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, cơ cấu tổ chức của Hội đồng, làm rõ hơn trách nhiệm của Hội đồng trong quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; vai trò của Hội đồng bầu cử quốc gia trong chỉ đạo, hướng dẫn bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; mối quan hệ giữa Hội đồng bầu cử quốc gia với chính quyền địa phương, các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương cũng như với các cơ quan, tổ chức khác tham gia vào quy trình bầu cử.
 
Tại phiên thảo luận tại tổ chiều ngày 5-11, đại đa số các đại biểu quốc hội tán thành việc thành lập Hội đồng bầu cử Quốc gia vì đây là một nhiệm vụ quan trọng nhằm cụ thể hóa thiết chế mới do Hiến pháp quy định. Đại biểu Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) cho rằng nhiều điều khoản quy định về Hội đồng bầu cử Quốc gia cần phải được quy định rõ nét. Đại biểu cho biết Luật không quy định Hội đồng bầu cử có chức xem xét giải quyết khướu nại tố cáo đối với các ứng cử viên nhưng việc này lại được giao cụ thể cho ủy ban bầu cử. Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng việc thành lập Hội đồng bầu cử Quốc gia cũng cần phải quy định rõ về cơ cấu thành viên, đặc biệt là cơ cấu về tỷ lệ là nữ giớ tham gia trong hội đồng nhằm bảo đảm về quyền bình đẳng giới. Đồng thời đại biểu đề nghị cần phải quy định rõ trong luật để bảo đản tỷ lệ phụ nữ tham gia trong các tổ chức phụ trách công tác bầu cử ở cả trung ương và địa phương.
 
Theo Nhân Dân