Sáng 7/3/2023, tại tỉnh Đồng Nai, Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức khánh thành và bàn giao khu đất công viên thuộc sân bay Biên Hòa đã được xử lý sạch dioxin.

Sân bay Biên Hòa từng là căn cứ chủ chốt của quân đội Hoa Kỳ, dùng để chứa chất diệt cỏ và phục vụ chiến dịch phun rải chất độc hóa học tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Từ cuối năm 1969 đến tháng 3/1970, nơi đây đã xảy ra 4 vụ tràn chất độc hóa học từ các bể chứa với 2.500 lít chất trắng và 25.000 lít chất da cam bị rò rỉ.

Giới chuyên gia đánh giá khu vực này là nơi nhiễm chất độc dioxin nặng nhất, lâu nhất và lớn nhất trên thế giới.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tại buổi lễ bàn giao mặt bằng đã xử lý sạch dioxin khu vực Tây Nam sân bay Biên Hòa.

Dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa đã được khởi công từ tháng 4/2019 và dự kiến kéo dài 10 năm với tổng chi phí lên tới 450 triệu USD.

Dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa có quy mô gấp gần 4 lần so với dự án xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng được USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam hoàn thành vào năm 2018.

Trước đó, hai bên đã hoàn thành xử lý dioxin khu đất đầu tiên nằm phía ngoài sân bay Biên Hòa, gần cổng 2.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
USAID triển khai nhân lực và phương tiện thực hiện xử lý ô nhiễm dioxin.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa là dự án đặc biệt quan trọng, là dự án hợp tác giữa Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả của chiến tranh tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá cao nỗ lực và kết quả hợp tác của Hoa Kỳ, nhất là USAID với các ban, bộ, ngành của Việt Nam trong triển khai thực hiện dự án xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa giai đoạn 1. Đồng thời mong muốn sắp tới Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng vốn đồng hành cùng Việt Nam xử lý dioxin, quan tâm chăm lo đời sống cho những trường hợp bị chất độc da cam.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper cho biết, tấm gương về nỗ lực hòa giải của hai nước là bài học sâu sắc cho phần còn lại của thế giới. Đồng thời khẳng định sẽ cùng nhân đôi nỗ lực để đảm bảo quan hệ song phương giữa hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ và bền chặt hơn trong thời gian tới.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham quan hiện trường khu đất đã xử lý sạch dioxin.

Tại lễ bàn giao, USAID đã công bố kết quả xử lý giai đoạn 1 với gần 30.000m2, tương đương khối lượng gần 20.000m3 đất hoàn thổ có hàm lượng dioxin nhỏ hơn 21.5ppt theo đúng thiết kế được phê duyệt.

Đồng thời, USAID cũng công bố bản hợp đồng mới trị giá 73 triệu USD, nâng tổng mức vốn đầu tư giai đoạn 2 lên 300 triệu USD để xử lý và làm sạch đất nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa. Khoản tài trợ mới này thể hiện rõ cam kết của Hoa Kỳ với Việt Nam hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện trong năm 2023.

leftcenterrightdel
Tổng giám đốc USAID Samanthan Power (bên trái) và Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến ký kết văn bản hợp đồng mới,  trị giá 73 triệu USD.

Trong buổi lễ bàn giao, Công ty xử lý môi trường của Hoa Kỳ là Nelson Environmental Remediation USA cho biết sẽ thiết kế, xây dựng và vận hành một khu xử lý để làm sạch đất và trầm tích ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ xử lý hơn 100.000 m3 đất và trầm tích trong tổng số khoảng 500.000 m3 đất và trầm tích ô nhiễm dioxin./.

Phi Sơn - Hồng Việt