Sau 4 tuần làm việc khẩn trương, Hội nghị Kiểm điểm việc thực hiện Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) vừa kết thúc tại trụ sở chính của Liên hợp quốc ở New York, Mỹ.

 

Quang cảnh Hội nghị kiểm điểm thực hiện Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) tại trụ sở của Liên hợp quốc (LHQ) ở New York của Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Quang cảnh Hội nghị kiểm điểm thực hiện Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) tại trụ sở của Liên hợp quốc (LHQ) ở New York của Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)


Được tổ chức đều đặn 5 năm một lần, Hội nghị Kiểm điểm việc thực hiện NPT là diễn đàn quan trọng để thúc đẩy việc thực hiện triệt để mọi điều khoản của hiệp định này trên phạm vi toàn cầu.

Tại hội nghị năm nay, 191 nước thành viên Hiệp ước đã kiểm điểm việc thực hiện Chương trình hành động được thông qua tại Hội nghị năm 2010 và thảo luận các biện pháp triển khai trong thời gian tới.

Các nước đã đi sâu thảo luận nhiều nội dung quan trọng, có ý nghĩa thiết thực về an ninh và phát triển, trong đó có việc tái khẳng định cam kết thực hiện các nghĩa vụ theo Hiệp ước NPT về giải trừ, chống phổ biến vũ khí hạt nhân và thúc đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Các nước tham gia hội nghị kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế, đánh giá cao vai trò của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trong việc hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực về sử dụng năng lượng hạt nhân cho nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển.

Một nội dung mới của hội nghị lần này là những biện pháp giải quyết hậu quả của vũ khí hạt nhân về khía cạnh nhân đạo. 159 nước đã có phát biểu về vấn đề này, từ đó kêu gọi nhanh chóng tiến tới loại trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng việc tập trung thảo luận về hậu quả của việc sử dụng vũ khí hạt nhân xét trên khía cạnh nhân đạo đã tiếp thêm sức sống cho “cuộc tranh luận đã đóng băng” từ nhiều năm nay của cộng đồng quốc tế về vũ khí hạt nhân.

Đáng chú ý là các nước thành viên Phong trào Không liên kết (NAM) đã đề nghị khởi động thương lượng công ước về vũ khí hạt nhân và hơn 100 nước đã kêu gọi tăng cường cơ chế pháp lý để giải trừ vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, do các nước còn có quan điểm khác biệt trên nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận tại hội nghị, trong đó có các nội dung liên quan đến việc tổ chức hội nghị quốc tế về thành lập khu vực Trung Đông phi vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt khác, nên hội nghị lần này đã không đạt đồng thuận và không thông qua được văn kiện cuối cùng.

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng đoàn Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, khẳng định Việt Nam cam kết thực hiện các nghĩa vụ do Hiệp ước NPT quy định, đồng thời nêu rõ Việt Nam luôn tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn và quy định quốc tế liên quan trong quá trình chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho việc sử dụng năng lượng hạt nhân tại Việt Nam, nhất là về đảm bảo an ninh và an toàn hạt nhân.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga cũng nhấn mạnh Việt Nam tích cực tham gia các sáng kiến, cơ chế quốc tế về giải trừ, chống phổ biến vũ khí hạt nhân và tăng cường hợp tác về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình.

Tại hội nghị, đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia các phiên họp, cùng các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và NAM.., nêu các quan tâm được nhiều nước chia sẻ, nhất là về việc cần tăng cường thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân, quan tâm hơn về hậu quả trên khía cạnh nhân đạo của vũ khí hạt nhân, thúc đẩy Hiệp ước về khu vực phi vũ khí hạt nhân tại Đông Nam Á (SEANWFZ) và tăng cường hợp tác về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình./.
 

Theo TTXVN/Vietnam+

.