(BVPL) - Cũng trong buổi thảo luận tại hội trường về báo cáo kết quả giám sát về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình cảm ơn các ĐBQH đã ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan tiến hành tố tụng, chia sẻ thách thức cam go trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, sự thiếu thốn cơ sở vật chất…
 


“Chúng tôi cũng biết rằng làm hàng chục nghìn vụ án chưa chắc có thành tích nhưng chỉ làm oan sai một vụ chắc chắn sẽ bị kỷ luật” - Viện trưởng VKSNDTC chia sẻ.

Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình cũng cho biết: ngành Kiểm sát đã ban hành  nhiều chỉ thị, nghị quyết, giải pháp nhằm hạn chế oan sai, loại trừ các thiếu sót trong quá trình tố tụng… Thậm chí có những giải pháp cho đến giờ này Việt Nam là nước áp dụng đầu tiên trên thế giới. Ví dụ như  nối mạng các phòng xét xử với phòng làm việc của Viện trưởng VKS các tỉnh (thành phố), từ đó nâng cao trách nhiệm của VKS hoặc nối phòng xét xử với các cơ sở đào tạo để các sinh viên có kiến thức thực tế.

Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình nhận định, “Dẫu còn một vụ oan chúng tôi cũng đau như người dân và trách nhiệm không cho phép. Cơ quan điều tra của VKSNDTC và Bộ Công an đều đã khởi tố cán bộ tư pháp, kể cả Thẩm phán, Điều tra viên, Kiểm sát viên, không có bao che hay xử nhẹ trong những việc này. Sắp tới, ngành Kiểm sát sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp đồng bộ”.

Về giải pháp, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong việc sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự, VKS sẽ cố gắng đưa vào luật nhiều giải pháp quán triệt tinh thần tiến bộ theo Hiến định, trong đó có nhiều biện pháp minh bạch hóa quá trình tố tụng, tăng cường giám sát của cơ quan dân cử, của nhân dân; tăng trách nhiệm chức danh tư pháp. Riêng thẩm quyền liên quan đến hạn chế quyền con người chỉ giao cho thủ trưởng các cơ quan tiến hành tố tụng quyết định chứ không giao cho chức danh tư pháp khác, đưa ra nguyên tắc luật sư tiếp cận sớm  hơn, rộng hơn, thuận lợi hơn. Đồng thời, đề cao nguyên tắc tranh tụng trong Hiến định, Tòa chỉ tuyên án trên cơ sở tranh tụng và hồ sơ chứng cứ đã được chứng minh, Tòa có quyền không mở phiên tòa nếu thấy điều kiện tranh tụng không bảo đảm.

“Những gửi gắm của đại biểu Quốc hội đã được thể hiện khá nhiều trong các dự án luật lần này. Sửa luật coi như là giải pháp đầu tiên theo như kiến nghị trong báo cáo giám sát” - Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình nói.
 

Ngọc Đức (ghi)

.