(BVPL) - Thảo luận về Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) chiều 26/5, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định trách nhiệm hình sự pháp nhân là cần thiết và đề nghị các đại biểu Quốc hội ủng hộ quan điểm tiến bộ của Ban soạn thảo dự Luật. “Việc quy định trách nhiệm pháp nhân không phải đầy đủ như thể nhân mà giới hạn trong một số trường hợp, không thể tử hình hay bắt pháp nhân đi tù. Đặt ra trách nhiệm hình sự pháp nhân thì mới thực hiện được cam kết quốc tế mà chúng ta tham gia. “Như tội Rửa tiền, người ta phạt ngân hàng chứ không phải phạt nhân viên ngân hàng, thậm chí chấm điểm cả hệ thống ngân hàng, hạn chế giao dịch quốc tế. Chúng ta cũng có kinh nghiệm thực tế từ vụ Vedan”, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình nêu dẫn chứng.

 


Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình cũng bày tỏ sự tán thành với đề xuất giảm án tử hình mà Dự thảo luật nêu ra. Tuy nhiên, đối với tội Hối lộ, tham nhũng, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình cho rằng, trong điều kiện chính trị- xã hội, đòi hỏi của nhân dân, ta giảm bớt tử hình với tội phạm tham nhũng là khó. Bên cạnh đó, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình cũng bày tỏ sự băn khoăn khi Dự thảo luật vẫn đưa ra quy định xử lý hình sự người đưa hối lộ. Con bị ốm đưa vào bệnh viện muốn có chế độ chăm sóc tốt, người ta phải hối lộ. Trên thế giới, nếu trong tình trạng bức bách họ không truy tố. Người ta khuyến khích người đưa hối lộ hợp tác với Cơ quan điều tra. Người ta cấm quan chức nhận tiền, còn người đưa tiền vì lý do nào đó đưa tiền và hợp tác với cơ quan điều tra thì người ta không truy cứu trách nhiệm. Do đó, nếu quan điểm của chúng ta là “trị ông đưa để không có ông nhận” sẽ là không đúng.

Đồng tình với quan điểm trên, Thiếu tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TANDTC, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho biết, trách nhiệm hình sự pháp nhân đến nay đã có 120 quốc gia quy định, trong đó ASEAN có 6 nước và Trung Quốc cũng đã thể hiện trong luật. Ủng hộ quan điểm của Ban Soạn thảo cần quy định trách nhiệm hình sự pháp nhân, Đại biểu Độ đặt vấn đề: Nhân viên thực hiện mệnh lệnh của Hội đồng quản trị, sao cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự trong khi tập thể không bị gì? Trường hợp các giám đốc điều hành được thuê mà chỉ xử trách nhiệm người này là không công bằng. Theo Đại biểu Trần Văn Độ, Luật Xử phạt hành chính có phạt tiền, rút giấy phép… nhưng chưa giải quyết được vấn đề và đó chỉ là góc nhỏ. Xử lý hình sự pháp nhân là hướng đến cái lớn hơn, bảo đảm quyền lợi cho xã hội, cho người bị hại. Nếu quy trách nhiệm cho một người thì người bị truy cứu phải bồi thường, pháp nhân không phải bồi thường.

Đại biểu Trần Văn Độ nêu ví dụ như: vụ Vedan, Nicotex Thanh Thái xả thải ô nhiễm gây thiệt hại cả nghìn tỷ đồng thì cá nhân nào có đủ khả năng bồi thường cho người dân? Ngoài ra, nếu xử lý bằng biện pháp hình sự đối với pháp nhân thì cơ quan nhà nước có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại đó chứ không phải người dân. Ở khía cạnh khác, kiện dân sự thì người kiện phải nộp án phí, như vụ Vedan có người phải nộp từ 50 đến 100 triệu đồng. “Dân không kiện vì không có tiền. Có một số người đồng ý nộp tiền với điều kiện Hội Nông dân hỗ trợ nhưng cuối cùng có kiện được đâu, sau đó Nhà nước phải thỏa thuận với công ty nhận hỗ trợ, rồi chia cho người dân các tỉnh chịu ảnh hưởng mà chẳng có pháp lý gì”- đại biểu Trần Văn Độ chia sẻ. Chức năng hình sự không chỉ là xử phạt mà là bảo vệ, phục hồi. Do đó, cần quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân càng nhanh càng tốt. Trong điều kiện hội nhập quốc tế người ta khuyến khích quy định này để đáp ứng phòng ngừa tội phạm.
 

Hoàng Long

.