(BVPL) - Ngày 13/5 tại Hà Nội, tại Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã thảo luận, cho ý kiến về các Tờ trình của VKSNDTC đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn, quyết định, quy định về tổ chức bộ máy, cán bộ và bảo đảm hoạt động của ngành KSND theo quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp. Về phía VKSNDTC tham dự phiên họp có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC cùng các đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC: Lê Hữu Thể, Nguyễn Hải Phong, Nguyễn Văn Khánh.
|
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC trình bày Báo cáo tóm tắt về nội dung một số Tờ trình tại phiên họp |
Tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC đã trình bày Báo cáo tóm tắt về nội dung một số Tờ trình kèm theo hồ sơ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn, quyết định về tổ chức bộ máy, cán bộ và bảo đảm hoạt động của ngành KSND theo quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014. Theo đó, nội dung cơ bản của một số Tờ trình mà Viện trưởng VKSNDTC trình bày gồm: Nghị quyết phê chuẩn bộ máy làm việc của VKSNDTC; Nghị quyết về việc phê chuẩn danh sách thành viên Ủy ban kiểm sát của VKSNDTC; Nghị quyết về việc thành lập VKSND cấp cao; Nghị quyết về việc phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên VKSNDTC; Nghị quyết thành lập và giải thể Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Viện kiểm sát quân sự khu vực; Nghị quyết phê chuẩn bộ máy làm việc của Viện kiểm sát quân sự các cấp; Nghị quyết về việc quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm, điều kiện nâng ngạch Kiểm tra viên VKSND.
Báo cáo thẩm tra các Tờ trình của Viện trưởng VKSNDTC của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tại phiên họp khẳng định, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành sự cần thiết phải ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn, quyết định, quy định về tổ chức bộ máy, cán bộ của VKSND để thực hiện Nghị quyết số 82 ngày 24/11/2014 của Quốc hội về thi hành Luật tổ chức VKSND năm 2014. Nhìn chung, các Tờ trình và dự thảo Nghị quyết đã được VKSNDTC nghiên cứu, chuẩn bị nghiêm túc trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành, kết quả nghiên cứu các đề án, hội thảo khoa học, lấy ý kiến chuyên gia…, đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Liên quan đến những đơn vị giữ nguyên tên gọi và chức năng, nhiệm vụ, Ủy ban Tư pháp trước mắt tán thành việc giữ nguyên tên gọi và chức năng, nhiệm vụ của 12 đơn vị như đề nghị của VKSNDTC. Đối với đơn vị đề nghị thành lập mới, Ủy ban Tư pháp tán thành với đề nghị của Viện trưởng VKSNDTC về việc thành lập mới Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp nhằm bảo đảm tính chuyên sâu, tạo cơ chế kiểm sát chặt chẽ hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra VKSNDTC theo yêu cầu tại Kết luận số 92 ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong thời gian tới. Đối với việc điều chỉnh Phân hiệu Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP. Hồ Chí Minh thành Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP. Hồ Chí Minh, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Tư pháp tán thành sự cần thiết thành lập Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP. Hồ Chí Minh với những lý do mà VKSNDTC nêu trong Tờ trình. Đối với những đơn vị điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ nhưng không thay đổi tên gọi, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với đề nghị của Viện trưởng VKSNDTC về việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của 8 đơn vị, bảo đảm phù hợp với các quy định mới của Luật tổ chức VKSND năm 2014 và những thay đổi trong bộ máy làm việc của VKSNDTC.
Cùng với đó, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với Tờ trình của Viện trưởng VKSNDTC về bộ máy làm việc của Viện kiểm sát quân sự các cấp cũng như tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm tra viên, việc thi tuyển vào ngạch Kiểm tra viên chính, ngạch Kiểm tra viên cao cấp. Đối với Tờ trình đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập các VKSND cấp cao, Ủy ban Tư pháp tán thành với việc thành lập 3 VKSND cấp cao, bảo đảm sự kế thừa ổn định về tổ chức, bộ máy hiện có, tính khả thi để thực hiện ngay các nhiệm vụ, quyền hạn khi Luật tổ chức VKSND có hiệu lực vào ngày 1/6/2015. Ủy ban Tư pháp cũng tán thành với số lượng và đa số các Kiểm sát viên VKSNDTC được trình làm thành viên Ủy ban kiểm sát VKSNDTC; tán thành với đề nghị của Viện trưởng VKSNDTC về danh sách ủy viên Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên VKSNDTC. Ngoài ra, đối với Tờ trình đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc thành lập và giải thể Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Viện kiểm sát quân sự khu vực, Ủy ban Tư pháp tán thành với đề nghị của Viện trưởng VKSNDTC về việc thành lập 11 Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, 28 Viện kiểm sát quân sự khu vực và giải thể các Viện kiểm sát quân sự quân đoàn, bảo đảm phù hợp với chủ trương thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế của Bộ Quốc phòng và Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị.
Sau khi thảo luận và cho ý kiến đối với các Tờ trình và dự thảo Nghị quyết đồng thời tán thành với nhiều nội dung trong các Tờ trình của VKSNDTC cũng như cơ quan thẩm tra, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã biểu quyết nhất trí thông qua các Tờ trình, đề án của VKSNDTC về các nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy, cán bộ và bảo đảm hoạt động của ngành KSND.
Văn Tình