(BVPL) - Chiều ngày 7/4/2015, tại phiên họp thứ 37, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến đối với dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) do VKSNDTC chủ trì soạn thảo. Tham dự phiên họp, về phía VKSNDTC có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC và các đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC: Lê Hữu Thể, Nguyễn Văn Khánh.
|
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) tại phiên họp. |
Tờ trình tóm tắt về dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) do Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày tại phiên họp nêu rõ mục tiêu xây dựng dự án Bộ luật là góp phần xây dựng Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) thực sự khoa học, tiến bộ và có tính khả thi cao; là công cụ pháp lý để đấu tranh hữu hiệu với mọi loại tội phạm, tháo gỡ căn bản những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân đã được Hiến định. Bên cạnh đó, để thực hiện mục tiêu và quán triệt các quan điểm chỉ đạo xây dựng Bộ luật, phạm vi sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự lần này được xác định là sửa đổi căn bản, toàn diện. Trên cơ sở đó, dự thảo Bộ luật có tổng số 483 điều, được bố cục thành 9 phần, 38 chương; tăng 137 điều so với Bộ luật hiện hành, trong đó sửa đổi 290 điều, bổ sung mới 166 điều, bãi bỏ 19 điều, chỉ giữ nguyên 27 điều. Kết cấu của Bộ luật được thiết kế khoa học hơn, theo trình tự tố tụng từ khởi tố đến điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và gắn với các chủ thể tiến hành tố tụng ở mỗi giai đoạn. Cùng với đó, dự thảo Bộ luật có nhiều nội dung mới và tiến bộ, trong đó có những nội dung mới cơ bản như việc hoàn thiện các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan tố tụng, tạo điều kiện để các cơ quan thực hiện tốt trách nhiệm luật định; tăng quyền, tăng trách nhiệm cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán; quy định cụ thể trình tự, thủ tục trong từng giai đoạn tố tụng nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập của thực tiễn; đổi mới chế định chứng cứ và chứng minh; quy định chặt chẽ các biện pháp cưỡng chế tố tụng; về đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội, đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội, thời hạn tố tụng; về các biện pháp chống bức cung, nhục hình, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm sát hoạt động tố tụng hình sự.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện đã trình bày Báo báo thẩm tra dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội khẳng định, dự án Bộ luật đã được VKSNDTC chuẩn bị công phu; đã tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Bộ luật tố tụng hình sự; tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi các nhà khoa học, các chuyên gia, các bộ, ngành hữu quan và tham khảo pháp luật về tố tụng hình sự một số nước. Nhìn chung, dự thảo Bộ luật đã thể chế hóa nhiều nội dung liên quan đến Hiến pháp năm 2013, định hướng cải cách tư pháp và có những sửa đổi để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn. Hồ sơ dự án Bộ luật đáp ứng yêu cầu của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị VKSNDTC cần làm rõ thêm một số nội dung khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Liên quan đến sự cần thiết và quan điểm xây dựng dự án Bộ luật, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với nội dung này như đã thể hiện trong Tờ trình. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cho rằng, cần bổ sung quan điểm chỉ đạo sửa đổi cụ thể hơn như: Đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngăn ngừa có hiệu quả và xử lý kịp thời, nghiêm minh các loại tội phạm, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Đặc biệt là thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 để bảo đảm tôn trọng, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân; tăng trách nhiệm của cơ quan và người tiến hành tố tụng; bảo đảm các thủ tục tố tụng phải công khai, minh bạch, dân chủ, đơn giản để người dân dễ tiếp cận công lý.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến với nhiều nội dung trong dự thảo Bộ luật và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau như về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; về quyền của bị can đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án; về căn cứ và thời hạn tạm giam; về ghi âm, ghi hình trong hoạt động hỏi cung bị can; về việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa; về trường hợp bắt buộc phải mời người bào chữa; về nguyên tắc bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm trong xét xử; về nguyên tắc xét xử liên tục; về giới hạn xét xử; về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm; về biện pháp điều tra đặc biệt. Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng việc sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự cần tuân thủ, bám sát Hiến pháp năm 2013 đồng thời cần phải tiếp tục kế thừa những nội dung còn phù hợp với tình hình hiện nay. Theo Chủ tịch Quốc hội, điều quan trọng là làm sao để xây dựng một Bộ luật thật sự chặt chẽ, đề cao trách nhiệm của từng cá nhân và cơ quan thực thi nhiệm vụ, đồng thời phải đảm bảo, tôn trọng quyền con người, quyền công dân.
Văn Tình