Những màn sương mù dày đặc ẩn chứa các hóa chất độc hại từ Trung Quốc đang đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe người dân tại 2 quốc gia láng giềng là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong những tháng qua, Fukuoka - thành phố 1,5 triệu dân thuộc khu vực phía nam Nhật Bản, nằm gần với Trung Quốc đại lục, đã phải sống trong cảnh ngột ngạt vì khói bụi và thường xuyên đeo khẩu trang khi đi ngoài đường.
|
Người dân thành phố Fukuoka, Nhật Bản được khuyến cáo đeo khẩu trang khi đi ngoài đường |
Chính hoạt động tại những nhà máy sản xuất than tại 2 thành phố Bắc Kinh và Thiên Tân cùng lượng ô tô lưu thông trên đường phố tăng nhanh đã phát thải một lượng lớn khói độc, tràn sang cả sang khu vực phía tây Biển Hoa Đông tiến vào lãnh thổ Nhật Bản và Hàn Quốc.
Cuộc khủng hoảng không khí ô nhiễm gần đây nhất xảy ra hồi tháng 2 khi những màn sương mù đen đặc hoành hành trên bầu trời thành phố Fukuoka. Chính quyền thành phố đã phải đưa ra lời khuyến cáo người dân đặc biệt là trẻ sơ sinh và người già nên ở trong nhà và đeo khẩu trang mỗi khi ra đường.
"Người dân vô cùng lo ngại trước vấn đề sức khỏe. Tôi đề nghị mọi người ở trong nhà và tránh phơi quần áo ngoài trời nhằm ngăn các hạt hóa chất tích tụ trên vải quần áo", ông Keiko Nabamuta - một quan chức thành phố Fukuoka nói.
Vấn đề ô nhiễm môi trường đã trở thành đề tài phổ biến trên bàn đàm phán ngoại giao của 3 nước gồm Trung Quốc - nguồn phát tán không khí ô nhiễm và 2 nạn nhân là Nhật Bản - Hàn Quốc.
Mới đây, các quan chức môi trường của 3 nước đã cùng nhóm họp tại thành phố Kitakyushu, nằm gần Fukuoka và đồng thuận thành lập một ủy ban chuyên giải quyết tình trạng ô nhiễm bấy lâu nay.
"Không khí ô nhiễm và biến đổi khí hậu trở thành đề tài chung trong khu vực. Ngoài những biện pháp đối phó với tình hình trong nước, điều cần thiết là sự phối hợp từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các quốc gia khác để giải quyết vấn đề", hãng tin NHK dẫn lời Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản - Nobuteru Ishihara.
Tuy nhiên, sự hợp tác chung tay giải quyết tình trạng ô nhiễm lại đến đúng thời điểm mối quan hệ giữa 3 quốc gia đang bị cuốn vào vòng xoáy của các cuộc tranh chấp lãnh thổ. Trong đó, 2 chuỗi đảo gồm Dokdo/Takeshima là khu vực tranh chấp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, còn đảo Senkaku/Điếu Ngư là vùng giao tranh giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Hệ thống cảnh báo sớm
Hồi năm ngoái, chính quyền Nhật Bản và Hàn Quốc đã thiết lập các biện pháp cảnh báo sớm tới những thành phố hứng chịu nạn ô nhiễm môi trường từ Trung Quốc.
Ngay tại thành phố Fukuoka, giới chức địa phương đã triển khai các website cảnh báo về mật độ hạt không khí nhỏ hơn 2,5 micromilimet được giới hạn dưới 35 microgram/m3 trong ngày. Các hạt không khí ô nhiễm cỡ 2,5 micromilimet thường xuất hiện trong khí phát thải từ các nhà máy sản xuất và nhà máy than đồng thời là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và ung thư.
Trong thời gian qua, tình hình sức khỏe người dân Trung Quốc cũng đã được đặt lên mức cảnh báo nguy hiểm khi nhiều khu vực nội đô bị bao trùm trong màn sương chứa hóa chất độc hại dày đặc.
Hồi tháng 4, tờ The Lancet thông báo ô nhiễm không khí là nguyên nhân cướp đi sinh mạng của 1,2 triệu người trong năm 2010 tại Trung Quốc. Con số này vượt qua 1/3 tổng số người chết vì không khí ô nhiễm trên toàn thế giới.
Điều đáng nói là tình hình ô nhiễm tại Trung Quốc và các quốc gia láng giềng ngày càng có xu hướng nghiêm trọng hơn. Trong 3 tháng đầu năm nay, hàm lượng nitrogen dioxide với kích cỡ từ 2,5 - 10 micromilimet tại Bắc Kinh đã tăng thêm 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Vào mùa xuân, những đám mây "bụi vàng" từ sa mạc Gobi lại di chuyển xuống khu vực phía nam, lan sang cả Mông Cổ và phía bắc Trung Quốc, thổi qua bán đảo Triều Tiên và nhiều khu vực khác trên Thái Bình Dương.
Những cơn bão bụi này đã liên tiếp thổi trong hàng ngàn năm qua, đôi khi với cường độ cực mạnh. Do tiến độ công nghiệp hóa và sa mạc hóa diễn ra nhanh chóng tại Trung Quốc kết hợp với bão bụi đã khiến đất đai ngày càng trở nên khô cằn. Thậm chí, những cơn gió còn cuốn theo nhiều kim loại nặng như thủy ngân, thạch tín và các chất độc gây bệnh ung thư tới thủ đô Seoul của Hàn Quốc.
"Chính phủ Hàn Quốc đã lắp đặt 6 trạm đo nồng độ chất lượng không khí trên cả nước. Kết quả phân tích cho thấy không chỉ có các chất ô nhiễm mà còn cả những hóa chất độc hại như chì, catmi và thạch tín tồn tại trong không khí", giám đốc Viện Nghiên cứu Môi trường Hàn Quốc - Kim Jong-choon nói.
Nhằm đối phó với nạn ô nhiễm môi trường từ Trung Quốc tràn san, năm 2007, Hàn Quốc đã gửi hàng ngàn cây xanh sang Trung Quốc với hy vọng chúng sẽ được trồng trên sa mạc và giúp ngăn chặn những cơn bão bụi thổi sang. Tuy nhiên, thay vì trồng trên sa mạc, chính phủ Trung Quốc lại dùng số cây được Hàn Quốc tặng để trồng bên đường quốc lộ.
Để đảm bảo số cây mang tặng được trồng đúng mục đích, hiện nay, các tình nguyện viên Hàn Quốc đang phối hợp với Trung Quốc để chung tay trồng 4 triệu cây xanh trên sa mạc Gobi.
Theo Khám phá