Theo đó, Phó chủ tịch yêu cầu các cơ quan hữu quan và người dân phải có ý thức cao, đẩy nhanh tiến độ các khâu trong công tác phòng chống bão và phải có ứng phó kịp thời nếu có diễn biến xấu.

Tính đến thời điểm hiện tại, mọi công tác phòng chống bão đã được các cơ quan hữu quan 2 huyện Nhà Bè và Cần Giờ hoàn tất. Liên tục trong vài ngày qua, sau khi có dự báo về cơn bão Tembin, lực lượng phòng chống thiên tai của các huyện đã phát thanh thông báo và gửi tin yêu cầu các tàu thuyền đang đánh bắt trên vùng biển TP.HCM nhanh chóng vào đất liền tìm nơi trú bão. Đồng thời yêu cầu tất cả các tàu thuyền không xuất bến để đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Theo đó, UBND huyện Cần Giờ đã hướng dẫn và tiếp nhận 1.059 phương tiện vào bờ neo đậu an toàn trong đó có 849 phương tiện hành nghề khai thác thuỷ sản, 81 phương tiện hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hoá và 129 phương tiện từ các địa phương khác đang đánh bắt trên vùng biển TP.HCM. Hàng chục chòi canh, hộ nuôi tàu với 133 người tiếp nhận thông tin không cho tàu thuyền xuất bến. UBND huyện Cần Giờ cũng đang chuẩn bị sơ tán tại chỗ cho 4.926 người dân đang sinh sống gần bờ biển hoặc nhà cửa không đảm bảo an toàn tạm thời vào trú ở trường học, trung tâm văn hoá hoặc trụ sở của các cơ quan chức năng. UBND huyện cũng kêu gọi và hỗ trợ cho 503 hộ gia đình chằng chống lại nhà. Hiện tại, UBND huyện Cần Giờ có 1.792 người tham gia ứng phó, chuẩn bị và khắc phục hậu quả sau bão, đã có 103 tấn gạo, 1.420 thùn mì gói, 1.410 thùng nước và gần 150 tấn nhiên liệu để chuẩn bị kịp thời cung cấp cho người dân nếu cần.

UBND huyện Nhà Bè cũng đã tăng cường công tác phòng chống bão dưới nhiều hình thức như chủ động liên lạc với chủ bến phà, bến đò yêu cầu ngưng hoạt động. Chằng chống 637 căn nhà có nguy cơ đổ. Bố trí, sắp xếp 34 trụ sở là trường học, trung tâm văn hoá để tiếp nhận người dân sơ tán. Đặc biệt, trên địa bàn huyện Nhà Bè có 16 vị trí có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng nguy cơ gây nguy hiểm cho hơn 274 hộ dân sinh sống nên Lãnh đạo huyện đã bố trí dân quân sẵn sàng hỗ trợ các hộ dân di dời khi cần thiết.

Trước công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão 16, Phó chủ tịch Lê Thanh Liêm đánh giá cao sự khẩn trương và đồng lòng của quân dân và các cơ quan chức năng của 2 huyện Nhà Bè và Cần Giờ, hai huyện được dự báo là tâm bão Tembi. Ông cũng yêu cầu ngày mai, 24/12 UBND huyện Cần Giờ buộc phải di dời người dân đang sinh sống ở trong những căn nhà không đảm bảo an toàn về các địa điểm đã được UBND huyện chọn làm điểm tiệp nhận các hộ dân hoặc những nơi an toàn. Ngày 25 – 26/12 toàn bộ học sinh trên địa bàn huyện đều phải nghỉ học.

Riêng đối với UBND huyện Nhà Bè, Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm yêu cầu buộc di dời toàn bộ hộ dân đang sinh sống gần 16 điểm có nguy cơ sạt lở.

Cùng ngày, UBND TP.HCM đã phát công văn hỏa tốc gửi các sở, ngành, quận, huyện khẩn trương triển khai các phương án phòng, tránh, ứng phó với bão 16. Nội dung, trong ngày và đêm 25/12, do ảnh hưởng của bão số 16, ở Nam Bộ mưa to; từ đêm 25/12, các tỉnh Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to và có khả năng kéo dài 2 – 3 ngày. UBND TPHCM yêu cầu các đơn vị như Công ty TNHH một thành viên công viên cây xanh chủ động xử lý trước những cây xanh nghiêng, có nguy cơ ngã đổ, Tổng Công ty điện lực chuẩn bị các phương án, kịch bản khi bị cúp điện nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do bão Tembin gây ra.

Phương Nam

 Trong 24 đến 36 giờ tới, bão Tembin di chuyển theo hướng tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25 km/h), đi vào đất liền các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau với sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 13.

Trên đất liền các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đều nguy cơ có gió mạnh cấp 10, giật cấp 13.

Cơ quan khí tượng cảnh báo trong ngày và đêm mai (25/12), do ảnh hưởng của bão số 16, ở Nam Bộ có mưa to. Từ đêm 25/12, các tỉnh Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to và có khả năng kéo dài 2-3 ngày. Từ đêm 26/12, mưa vừa, mưa to có khả năng mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ.