leftcenterrightdel
 Cổng làng Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội.

"Về đây, tôi chỉ là con em trong làng"

Không có nhiều thời gian về thăm quê hương - thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội - nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sinh sống và trưởng thành - nhưng mỗi lần về là một kỷ niệm đẹp của Tổng Bí thư dành cho người dân nơi đây. Những ai đã từng được gặp Tổng Bí thư đều cảm nhận như được gặp lại người thân trong gia đình đi xa trở về. Sự gần gũi, giản dị, chân tình được toát ra từ trái tim của người cộng sản ấy đã sưởi ấm trái tim của những người từng được gặp ông. Mỗi lần về quê, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều chân thành nói: "Về đây, tôi chỉ là con em trong làng".

Lại Đà nằm bên bờ sông Đuống, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 8 km. Đây là một trong những ngôi làng còn lưu giữ nhiều nét cổ kính và quen thuộc của một làng quê Bắc Bộ với cây đa, giếng nước, sân đình.

Ở Lại Đà, dòng họ Nguyễn Phú là dòng họ lớn nhất, cũng là dòng họ đã sinh ra người con kiệt xuất của quê hương - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ngôi nhà của gia đình Tổng Bí thư ở ngay đầu làng với khuôn viên gọn gàng, giản dị. Con đường trước cổng là trục chính của làng, dẫn lối qua cụm di tích lịch sử đình, chùa, miếu, lên tới con đê sông Đuống. Đó cũng là con đường mà Tổng Bí thư ngày xưa xưa đi đò vượt sông sang trường Nguyễn Gia Thiều (huyện Gia Lâm, nay là quận Long Biên, Hà Nội) để đi học.

Là một nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, nhưng khi trở về quê, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất gần gũi, thân tình. Cách nói chuyện điềm đạm, mẫu mực. Dù bận nhiều công việc nhưng khi có điều kiện, Tổng Bí thư lại về quê, tham gia hoạt động của làng, như mừng thọ các cụ cao niên, hội làng truyền thống hằng năm... Mỗi khi về quê, đến đầu làng, Tổng Bí thư đều xuống xe và đi bộ, vào nhà các cụ cao niên hỏi thăm sức khỏe, chuyện trò với hàng xóm, láng giềng. Tổng Bí thư cũng dành thời gian đi thăm các hộ hộ nghèo, các cháu nhỏ.

Với các bậc cao niên trong làng, ngần ấy năm công tác là ngần ấy thời gian Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hướng lòng mình về nơi chôn rau cắt rốn. Mỗi lần Tổng Bí thư về thăm quê là mỗi lần người dân được trò chuyện, bắt tay và được nghe những lời động viên thân tình. Trong mỗi cuộc nói chuyện, Tổng Bí thư vẫn thường căn dặn anh em họ tộc, bà con làng xóm phải đoàn kết, có ý chí vươn lên để cùng nhau xây dựng quê hương.

Không chỉ các cụ cao niên, mà các thế hệ sau, lứa tuổi trẻ của làng cũng ấn tượng sâu sắc với phong thái giản dị, chân tình mà toả sáng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong họ, hình ảnh Tổng Bí thư như một người ông đáng kính và hiền từ.

Khi về với thầy cô và các bạn đồng môn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn khiêm nhường, hòa đồng: “Xin cho em được để mọi chức tước ngoài căn phòng này. Em đến đây mãi mãi là học trò cũ của các thầy, các cô ngày nào”. Tổng Bí thư vẫn đi dự họp lớp cấp 2, vẫn chan hòa, nhỏ nhẹ, khiêm nhường như ngày nào.

Trong mỗi người dân Lại Đà, hình ảnh người lãnh đạo Đảng, đất nước luôn bình dị, gần gũi như thế.

Luôn mang ơn nghĩa nặng tình sâu của quê hương

Đến nay nhiều người Lại Đà vẫn nhớ và nhắc lại, vào mùng 9 Tết Giáp Ngọ (2014), dân làng tổ chức lễ chúc thọ cho các cụ cao niên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về dự và nhận cờ mừng thọ 70 tuổi. Sau khi chúc sức khoẻ các cụ cao niên trong làng sống vui, sống khoẻ, sống hạnh phúc, Tổng Bí thư hứa: “… sẽ giữ gìn để xứng đáng với sự tin cậy của lãnh đạo, của dân làng. Tôi luôn mang ơn nghĩa nặng tình sâu của quê hương. Đi đâu tôi cũng nghĩ mình là dân Đông Anh, dân Đông Hội, dân Lại Đà”.

Những phát biểu của Tổng Bí thư - dù là bài diễn văn hay những lời chia sẻ, tâm sự tại các hội nghị, các buổi tiếp xúc cử tri đều thể hiện tình yêu của ông với quê hương, đất nước, trong đó không thể thiếu mảnh đất và con người Đông Anh, Đông Hội, Lại Đà.

Không chỉ hướng về quê hương bằng tình cảm tha thiết, sâu nặng, mà Tổng Bí thư còn luôn quan tâm, dõi theo và gợi mở nhiều vấn đề; động viên cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần tiền phong, gương mẫu, đoàn kết, lãnh đạo Nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ấm no, giàu đẹp.

Niềm tin và tình yêu lớn của Tổng Bí thư dành cho quê nhà là nguồn động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đông Anh nỗ lực vươn lên. Đông Anh đi đầu trong nhiều phong trào của thành phố. Đặc biệt, từ một địa phương thuần nông, đến năm 2023, kinh tế huyện duy trì tăng trưởng ở mức 9,4%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung của Hà Nội và cả nước; lọt vào top đầu của thành phố khi thu ngân sách đạt trên 10.000 tỷ đồng, tự chủ cân đối được tài chính. Sau khi "cán đích" trở thành huyện nông thôn mới nâng cao và trở thành quận trong tương lai gần, từ năm 2024, Đông Anh bước vào giai đoạn mới, hiện thực hóa tầm nhìn “Đông Anh - khát vọng phát triển”.

Ơn sâu, nghĩa nặng với quê hương là vậy, nên khi nhận tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần vào chiều 19/7, dòng tộc, thôn xóm ai cũng đau lòng, thương tiếc một người con đã dành trọn đời phục vụ đất nước, chưa được một ngày nghỉ ngơi. Ai cũng rưng rưng nghẹn ngào, bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của ông.

Một không khí trầm buồn lan tỏa khắp thôn Lại Đà, xã Đông Hội. Ngôi nhà thờ nằm khiêm tốn trong làng - nơi Tổng Bí thư sinh ra, lớn lên và gắn bó cả tuổi thơ - nhiều người dân đã đến với mong muốn được vào thắp nén hương tưởng nhớ người con ưu tú của quê nhà.

Quê hương Đông Hội từ nay sẽ vắng bóng người con thân yêu, sẽ không còn được đón đợi một người con ưu tú trở về. Nhưng hình ảnh về một Tổng Bí thư sống giản dị, gần gũi, khiêm tốn, chân thành và mẫu mực sẽ luôn sống mãi với người dân Đông Hội, Đông Anh nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

Theo TTXVN/Báo Tin tức