Phát biểu tại hội nghị ngoại giao lần thứ 29 khai mạc sáng nay 22-8 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong giai đoạn hiện nay, đối ngoại an ninh, quốc phòng có vai trò hết sức quan trọng.
|
Tổng Bí thư phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Sáng 22-8, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 khai mạc tại Trung tâm hội nghị Quốc tế, Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị.
Tổng Bí thư nhấn mạnh hoạt động đối ngoại nói chung đứng trước những nhu cầu và nhiệm vụ to lớn. Trước hết là nhiệm vụ tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước. Theo Tổng Bí thư, là một ngành có điều kiện tiếp cận nhanh với nhiều nguồn thông tin về chính trị, kinh tế thế giới, thị trường, có nhiều cơ quan đại diện ở khắp năm châu, ngoại giao cần đặt ưu tiên cao và giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan đại diện ở nước ngoài… tăng cường công tác nghiên cứu dự báo, cung cấp thông tin về những diễn biến trước mắt và dài hạn của nền kinh tế khu vực và thế giới, giúp lãnh đạo có đánh giá chuẩn xác, kịp thời để chỉ đạo, điều hành nền kinh tế trong nước phù hợp với quy luật khách quan và xu thế phát triển chung.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư lưu ý ngành ngoại giao còn phải gánh vác một nhiệm vụ to lớn hết sức phức tạp là góp phần quan trọng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển. Nhiệm vụ này ngày càng trở nên phức tạp và nặng nề hơn do những diễn biến mới của tình hình khu vực và thế giới.
“Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, cần nắm vững các quan điểm chỉ đạo về mối quan hệ giữa hợp tác và đấu tranh. Vừa kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, vừa phải hết sức giữ vững môi trường hoà bình và hợp tác để phát triển” - Tổng Bí thư lưu ý.
Tổng Bí thư cho biết đối với những vấn đề phức tạp trên biển Đông, chúng ta luôn giương cao ngọn cờ hoà bình, hợp tác, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc, trên tất cả các diễn đàn song phương và đa phương, khu vực và quốc tế, phối hợp chặt chẽ với đối ngoại quốc phòng - an ninh, với đối ngoại nhân dân, nhằm kiểm soát bất đồng, đồng thời tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho mọi tranh chấp.
|
Phó Thủ tướng,Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại hội nghị |
Tổng Bí thư nêu rõ trong thế giới liên kết, toàn cầu hoá hiện nay, đối ngoại quốc phòng, an ninh có vị trí rất quan trọng. Ngành ngoại giao giao cần phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh, chủ động triển khai hoạt động trong lĩnh vực trọng yếu này. Giữ vững môi trường thuận lợi để phát triển và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là mối quan hệ gắn bó hữu cơ, tác động trực tiếp lẫn nhau nên phải được thường xuyên xác định là ưu tiên cao, là điều kiện quan trọng hàng đầu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Đây cũng chính là tư tưởng của ông cha ta: “giữ nước từ xa”, “Giữ nước từ khi nước chưa nguy”" - Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư lưu ý do đặc thù công việc, các cán bộ ngoại giao thường phải làm việc ở môi trường bên ngoài, rất dễ bị cám dỗ. Ngành ngoại giao cần dũng cảm nhìn thẳng vào sự thực để xem trong ngành có những biểu hiện sai lệch về tư tưởng, đạo đức, lối sống; có những biểu hiện chạy việc, chạy chức, chạy địa bàn… không; trên cơ sở đó đề ra những biện pháp thiết thực, cụ thể để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và bộ máy toàn ngành.
“Hoạt động đối ngoại cần phải là một phương thuốc hoà bình hữu hiệu thu hẹp bất đồng, ngăn chặn xung đột, gia tăng hợp tác, mở đường cho những giải pháp” -Tổng Bí thư nói.
Hội nghị ngoại giao lần thứ 29 diễn ra từ ngày 22 đến ngày 26-8. Tại phiên khai mạc, sáng nay, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Vũ Xuân Hồng đã phát biểu. Các phát biểu nhấn mạnh những thành tựu đối ngoại đã đạt được từ sau Hội nghị Ngoại giao 28 đến nay, đánh giá cao sự phối hợp giữa ngành ngoại giao với các ngành trên mặt trận đối ngoại. Các phát biểu cũng nêu những đánh giá, nhận định về tình hình thế giới, khu vực, đề xuất những phương hướng, biện pháp để đẩy mạnh công tác đối ngoại, thực hiện thành công những nhiệm vụ đối ngoại của Đại hội Đảng XII.
Theo Người lao động