(BVPL) - Ngày 24/11, Quốc hội đã thông qua Bộ luật dân sự (sửa đổi). Bộ luật vừa được thông qua có 6 phần, 27 chương, 689 điều, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Trong đó có nhiều nội dung mới, được dư luận quan tâm.
 


Theo đó, Điều 37 (Chuyển đổi giới tính) của Bộ luật này nêu rõ: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”, được 80,77% đại biểu Quốc hội tán thành thông qua.

Điều 36 về Quyền xác định lại giới tính cũng quy định cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính.

Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có trách nhiệm đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

Trước đó, phát biểu thảo luận về điều khoản này, nhiều đại biểu nhấn mạnh, thực tế người chuyển giới ở nước ta ngày càng thể hiện rõ rệt hơn nhưng chưa được công nhận, chưa có quyền xác định lại giới tính. Mặc dù việc chuyển đổi giới tính đang tồn tại khách quan nhưng thực chất họ sống như “người vô hình”. Bản thân người chuyển giới đã chịu khó khăn trong đời sống, việc làm, y tế, an sinh xã hội; bị chính gia đình và xã hội kỳ thị, trong khi các cơ chế hỗ trợ, nhất là hỗ trợ pháp lý chưa thực sự hợp lý. Do đó, việc thông qua điều khoản này có ý nghĩa hết sức nhân văn, tạo điều kiện cho người chuyển giới được “sống thật” với bản thân họ.

Giải trình về quy định này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết: “Việc chuyển đổi giới tính liên quan đến những yêu cầu và điều kiện khác nhau về độ tuổi, tình trạng hôn nhân, các vấn đề về an sinh xã hội, y tế và nhiều vấn đề xã hội khác. Pháp luật nước ta cần ghi nhận vấn đề này nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận trong xã hội, đồng thời cũng bảo đảm tính thận trọng, phù hợp với thông lệ quốc tế và không trái với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc”.

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được thông qua cũng chốt quy định: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật cụ thể để áp dụng”.

Dự thảo nhấn mạnh nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là “mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản”.

Với quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, dự thảo Bộ luật quy định “việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác”.
 

Trần Tâm

.