Tiếp tục hoàn thiện quy định về các tội danh liên quan đến tra tấn
Cập nhật lúc 11:16, Thứ hai, 27/10/2014 (GMT+7)
(BVPL) - Đó là một trong nhiều nội dung trong tờ trình do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trình bày về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật và Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.
Tờ trình khẳng định: “Việc phê chuẩn Công ước Quyền của người khuyết tật sẽ là một cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển vì lợi ích dành cho người khuyết tật”. Đây cũng là một trong những căn cứ pháp lý để Việt Nam khẳng định quan điểm của mình đối với thế giới trong lĩnh vực người khuyết tật nói riêng và nhân quyền nói chung, có ý nghĩa quan trọng khi Việt Nam đã trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 – 2016.
Để thực thi Công ước, đại diện Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền kiến nghị nghiên cứu có chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người khuyết tật nặng trong khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, mở rộng việc miễn trừ lệ phí đăng ký khai sinh cho trẻ em khuyết tật để cải thiện tình hình đăng ký khai sinh cho trẻ em khuyết tật, nghiên cứu quy định về việc tuyển dụng người khuyết tật vào khu vực công và bảo đảm có sự điều chỉnh hợp lý tại nơi làm việc để tạo điều kiện cho người khuyết tật.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban đối ngoại của Quốc hội khẳng định, việc phê chuẩn Công ước là cơ sở pháp lý quan trọng không những đối với công tác bảo vệ và thực thi quyền con người tại Việt Nam mà còn góp phần hiệu quả vào công tác đấu tranh chống các luận điệu vu cáo, xuyên tạc về việc tra tấn, ngược đãi phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam của các thế lực thù địch nhằm chống phá Nhà nước Việt Nam.
Với việc trở thành thành viên đầy đủ của Công ước chống tra tấn, Việt Nam có thêm điều kiện tranh thủ sự ủng hộ của dư luận tiến bộ thế giới, tạo cơ sở cho việc tăng cường đối thoại về nhân quyền với các nước, các tổ chức quốc tế và tham gia hiệu quả hơn vào các thiết chế bảo vệ nhân quyền của Liên hợp quốc. Đồng thời, việc phê chuẩn Công ước chống tra tấn càng có ý nghĩa khi Việt Nam đã trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016, thể hiện quyết tâm và cam kết của Việt Nam trong việc ghi nhận và đảm bảo thực thi các quy định và chuẩn mực của Liên hợp quốc về nhân quyền.
Trường Linh
.