Như tin đã đưa, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII sẽ xem xét thông qua 18 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến về 12 dự án luật khác.
 
 
Dự thảo Luật quy định tách bạch giữa giai đoạn xây dựng chính sách và giai đoạn soạn thảo văn bản. Theo đó, giai đoạn xây dựng chính sách được áp dụng đối với 4 loại văn bản (luật, pháp lệnh, nghị định, nghị quyết của HĐND cấp tỉnh) được thực hiện trước khi soạn thảo.
 
Dự thảo Luật bỏ quy định về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cả nhiệm kỳ của Quốc hội, chỉ giữ lại chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm. Dự kiến, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm sẽ được lập trên cơ sở mức độ chuẩn bị kỹ về chính sách pháp luật trong các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh do các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình. Khi xem xét, thông qua dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm, Quốc hội cũng đồng thời cho ý kiến về chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.
 
Về tên gọi của dự án Luật: Theo Nghị quyết số 20/2011/QH13 ngày 26-11-2011 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII và Nghị quyết số 45/2013/QH13 ngày 18-6-2013 của Quốc hội về điều chỉnh Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ khóa XIII năm 2013 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, thì dự án Luật này có tên gọi “Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.
 
Tuy nhiên, qua rà soát các quy định của Hiến pháp năm 2013 cho thấy, Hiến pháp có 38 điều sử dụng cụm từ “pháp luật”, 2 điều quy định về “văn bản pháp luật” và 7 điều quy định về “văn bản” mà không sử dụng cụm từ “văn bản pháp luật”. 
 
Với phạm vi điều chỉnh như trên, Chính phủ đề xuất đổi tên dự án Luật thành “Luật Ban hành văn bản pháp luật”.
 
Theo Hà Nội Mới
.