Nghị định 171 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ đầu tháng 1/2014. Trong đó, quy định CSGT được xử phạt trực tiếp (theo hình thức xé vé) đã có hướng dẫn, nhưng tình hình thực hiện lại không đồng nhất.
|
CSGT Hà Nội hướng dẫn người vi phạm thủ tục xử phạt tại chỗ |
Hà Nội: Vừa hướng dẫn, vừa thực hiện
Ngày 12/3, tại nút giao thông Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Hồng (SN 1993) ở xã Vĩnh Quang, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa điều khiển xe mô tô BKS 36R2-531.61 vi phạm đội MBH nhưng không cài quai đúng quy cách. CSGT dừng xe phải giải thích rất kỹ chị Hồng mới biết có quy định mới được nộp phạt trực tiếp trong lỗi này (mức phạt 150.000 đồng). Chị Hồng nói: “Do sơ suất, chứ tôi không cố tình, may mà được xử phạt tại chỗ, không phải đi kho bạc mất thời gian, nhà tôi mãi tận Thanh Hóa…”.
Tương tự, Nguyễn Thị Thúy (SN 1992) ở xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định điều khiển mô tô BKS18P1- 7111 vi phạm không chấp hành đúng vạch kẻ đường, sau đó CSGT cũng ra quyết định tại chỗ xử phạt 150.000 đồng.
Một trường hợp vi phạm khác, Nguyễn Minh Thắng (SN 1993) điều khiển mô tô BKS 30M5- 8741 vi phạm không đội MBH, CSGT ra quyết định xử phạt hành chính theo thủ tục không phải lập biên bản (nộp phạt tại chỗ). Tuy nhiên, người vi phạm quên không mang tiền theo nên xin nộp phạt tại kho bạc.
Thiếu úy Nguyễn Chí Công, cán bộ Đội CSGT số 6 cho biết, quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm ngoài đường cho thấy, các vi phạm phổ biến là lỗi có thể áp dụng hình thức phạt trực tiếp gồm: Không đội MBH, không chấp hành chỉ dẫn vạch kẻ đường, sử dụng điện thoại di động… Hầu hết các trường hợp CSGT phải hướng dẫn người vi phạm về các quy định mới, trong đó có việc áp dụng quy định phạt tại chỗ. Trường hợp người vi phạm không mang theo tiền, CSGT sẽ tạm giữ GPLX hoặc đăng ký xe…
|
Biên lai phạt trực tiếp |
TP HCM: Xin được “xé vé” phạt
Trao đổi với PV, ông Đoàn Văn Quới - Đội CSGT Phú Lâm, CA TP HCM cho biết, theo quy định mới, từ tháng 1/2014, người vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB có thể nộp tiền phạt dưới 3 hình thức: Nộp phạt thông qua Kho bạc Nhà nước, nộp qua tài khoản ngân hàng; Hoặc nộp tiền trực tiếp cho lực lượng ra quyết định xử phạt (nếu mức phạt tiền từ 250.000 đồng trở xuống với cá nhân, từ 500.000 đồng trở xuống đối với tổ chức). “Có nhiều trường hợp, khi vi phạm người dân không mang tiền hoặc quên mang theo giấy tờ,… nên không thể vé xé phạt tại chỗ” - ông Quới nói.
Còn theo ông Phan Văn Tuyến - Đội phó Đội CSGT Cát Lái, hiện nay đơn vị vẫn xử phạt người vi phạm bằng hình thức ghi nhận biên lai và người dân qua Kho bạc Nhà nước nộp phạt. Nguyên do là chưa nhận được hướng dẫn chính thức về việc giao CSGT xử phạt tại chỗ, chủ trương của Đội là hạn chế tối đa việc xử phạt tại chỗ.
Tình trạng này diễn ra ở nhiều nơi, CSGT đều biết quy định này, cấp trên đã có phổ biến và tập huấn, nhưng do Bộ Công an chưa có hướng dẫn chi tiết và yêu cầu bắt buộc, nên CSGT trực tiếp làm nhiệm vụ có thể không áp dụng hình thức phạt trực tiếp.
CSGT thì chờ, trong khi người dân không phải ai cũng nắm rõ việc này. Sau khi nộp phạt từ kho bạc đi ra, bà Nguyễn Thị Út, ngụ tại P. Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức phàn nàn: “Những người như tôi phần đông không hiểu Luật, CSGT xử phạt bao nhiêu cũng chỉ biết lắng nghe và xin xỏ. Thủ tục nộp phạt qua kho bạc vừa rườm rà lại mất thời gian nên không ai thích cách làm này. Còn tiền phạt nộp trực tiếp cho CSGT, dù nó có đến được kho bạc hay không thì không thuộc phận sự của tôi. Khi bị CSGT xử phạt, việc đầu tiên tôi nghĩ đến là xin xỏ để được phạt trực tiếp. Đằng nào cũng bị phạt thôi thì cứ năn nỉ mấy anh cảnh sát thương tình mà giảm tội cho chút ít. Ví dụ cái lỗi đáng bị phạt 500.000 đồng nhưng xin xỏ chỉ bị phạt 200.000 đồng”.
Cũng vì CSGT “hạn chế” xử phạt tại chỗ, nên nhiều người dân TP HCM có cách làm giống bà Út - tức là bị phạt thì xin xỏ để được “xé vé” phạt trực tiếp.
Đà Nẵng: Nộp tiền vẫn phải đến kho bạc
Đại tá Nguyễn Đến - Trưởng phòng CSGT CA TP. Đà Nẵng cho hay, để áp dụng đầy đủ các quy định phạt trực tiếp vẫn phải chờ thông tư hướng dẫn chi tiết của Bộ Công an.
Hiện nay, thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 171 đang trong quá trình lấy ý kiến, nên đối với các trường hợp vi phạm, CSGT trên địa bàn hướng dẫn, giải thích cho người dân hiểu, có áp dụng các thủ tục đơn giản trong những trường hợp vi phạm theo quy định, nhưng vẫn hướng dẫn người dân đến kho bạc nộp phạt mà chưa “xé vé” trực tiếp. “Khi có hướng dẫn chính thức, với các quy định rất cụ thể, lực lượng thực thi nhiệm vụ sẽ phải thực hiện nghiêm túc” - ông Đến nhấn mạnh.
Đại tá Nguyễn Đến đánh giá, áp dụng phạt tại chỗ có thể khó khăn cho lực lượng thực thi nhiệm vụ, nhưng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Theo phân tích của một lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia, việc phạt và thu tiền phạt đối với CSGT là vấn đề không dễ dàng. Số lượng phương tiện giao thông đường bộ tăng quá nhanh, hiện nay có khoảng 40 triệu mô tô và gần 2,2 triệu ô tô. Trong khi tình trạng vi phạm Luật GTĐB phổ biến ở mức vài triệu trường hợp mỗi năm, riêng năm 2013 CSGT xử lý gần 5,5 triệu trường hợp, thu gần 3.000 tỷ đồng. |
Theo GTVT