Đây là yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp thứ 2 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số diễn ra ngày hôm nay (27/4).

leftcenterrightdel
Thủ tướng cho rằng, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao, hiệu quả sử dụng còn hạn chế. Ảnh:VGP 

Tại cuộc họp, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và người dân đã tích cực triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số đã đề ra, thu được những kết quả đáng mừng, tích cực. Song cũng phê bình một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm túc khi tham gia cuộc họp của Ủy ban, và yêu cầu quán triệt tinh thần nhiệt huyết, cảm xúc, trách nhiệm với công việc, nhiệm vụ được phân công thì mới có hiệu quả, "không hình thức", "không đánh trống ghi tên".

Thời gian qua, nhận thức tầm quan trọng về chuyển đổi số của các cấp, các ngành, các địa phương có chuyển biến, 100% các bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do người đứng đầu làm trưởng ban, nhưng so với yêu cầu thực tế, hành động phải đẩy mạnh hơn nữa, bằng hành động thực chất.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách còn chậm, thiếu sự phối hợp, chưa chủ động, cần phải nỗ lực nhiều hơn, nhất là huy động doanh nghiệp, người dân vào công tác xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tính đến nay, đã có hơn 11 triệu văn bản gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước. Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) đã phục vụ 52 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 1.136 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế hơn 412.000 hồ sơ, tài liệu giấy).

Văn phòng Chính phủ cũng phối hợp với các cơ quan xây dựng các bộ chỉ số và hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ công cụ giám sát trực tuyến của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…

Bên cạnh đó, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao, hiệu quả sử dụng còn hạn chế. Tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mới gần 54% và hồ sơ xử lý trực tuyến còn thấp, khoảng 9,4%. Chưa hình thành được hệ sinh thái công dân số dẫn đến người dân vẫn chưa được thụ hưởng nhiều tiện ích quan trọng mang lại như: y tế, giáo dục, bảo hiểm, ngân hàng, giao thông… để giúp mọi người bình đẳng về cơ hội phát triển, cơ hội hưởng thụ như nhau về kết quả chuyển đổi số…

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, gắn với đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, trong sự phát triển chung của đất nước.

“Phương châm thực hiện chuyển đổi số là nhanh nhất có thể, nhiều nhất có thể, hiệu quả nhất có thể, kịp thời nhất có thể với những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn cuộc sống. Phát triển có lộ trình, mục tiêu, an toàn, bền vững.”- Thủ tướng nói.

Về quan điểm thực hiện chuyển đổi số, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương liên tục đổi mới, tạo ra động lực mới, mở ra không gian phát triển mới. Có tư duy đột phá để có nguồn lực đột phá để "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể". Có tầm nhìn chiến lược với mục tiêu, mục đích phát triển rõ ràng, an toàn, bền vững, đúng trọng tâm, trọng điểm, lộ trình phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước. Trong quá trình phát triển phải kế thừa, đổi mới, gắn với đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khoa học công nghệ để có thể bắt kịp những vấn đề nảy sinh trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

leftcenterrightdel
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương liên tục đổi mới, tạo ra động lực mới, mở ra không gian phát triển mới. Ảnh:VGP 

Trong quý II/2022, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành và Ban chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, Kế hoạch năm 2022 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, trên tinh thần "tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, hành động phải quyết liệt, có hiệu quả, lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó".

Về một số nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng giao Bộ Thông tin - Truyền thông đề xuất thành lập bộ phận giúp việc của Ủy ban có hiệu quả nhưng không làm tăng thêm đầu mối về tổ chức, bộ máy, biên chế, từ đó hình thành tổ giúp việc Ban chỉ đạo các cấp. Hoàn thành đánh giá, công bố chính thức danh sách các nền tảng số đáp ứng yêu cầu phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư hoàn thành triển khai hệ thống phục vụ thống kê, theo dõi dự án đầu tư công cho chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử. Hoàn thành việc kết nối, chia sẻ, xác thực thông tin công dân. Tiếp tục hoàn thiện và triển khai hiệu quả ứng dụng di động VNEID, nhằm định hình hệ sinh thái công dân số để phục vụ nhu cầu định danh, xác thực thông tin của người dân theo hướng người dân có thể được định danh và xác thực điện tử dễ dàng thông qua môi trường mạng…

Các bộ, ngành, địa phương ban hành hoặc cập nhật kế hoạch hành động đến năm 2025 của cấp chính quyền với đầy đủ 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, phù hợp với các chiến lược quốc gia, tình hình của cơ quan, đơn vị mình.

Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương ban hành Kế hoạch hành động năm 2022 để thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ủy ban, theo từng quý.

Triển khai thực hiện tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2022 theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 4/4/2022.

Đối với việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa cấp bộ, cấp tỉnh phải được triển khai  từ ngày 1/6/2022. Riêng 25 dịch vụ công thiết yếu triển khai theo yêu cầu Quyết định 06/QĐ-TTg thực hiện số hóa từ ngày 1/7/2022.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đồng ý chủ trương huy động chuyên gia chuyển đổi số, thúc đẩy hợp tác quốc tế; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, tọa đàm làm rõ các vấn đề mới, khó để nâng cao nhận thức trong chuyển đổi số, hiểu được lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, giám sát việc thực hiện chính sách.

Minh Nhật