Đây là một trong những yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 ngày hôm nay (5/8).
|
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh:VGP |
Cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá bên cạnh những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Lạm phát có xu hướng giảm nhưng vẫn chịu nhiều sức ép. Tăng trưởng tín dụng thấp, hấp thụ vốn còn yếu, tiếp cận vốn vẫn khó khăn. Thu ngân sách Nhà nước 7 tháng giảm 7,8% so với cùng kỳ; nợ xấu nội bảng cần lưu ý.
Điều hành chính sách tiền tệ trong nước khó khăn trong bối cảnh nhiều nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, nhất là về khả năng tiếp cận vốn, đơn hàng sụt giảm. Thị trường trái doanh nghiệp, bất động sản còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cầu trên các thị trường lớn, truyền thống suy giảm dẫn đến trong 7 tháng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước (dù tháng sau cải thiện hơn tháng trước). Công nghiệp tiếp tục phục hồi nhưng chậm. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7 đạt 48,7 điểm, tích cực hơn tháng 6 (46,2 điểm) và tháng 5 (45,3 điểm), cho thấy niềm tin kinh doanh đã tăng nhưng vẫn dưới 50 điểm.
Đáng lưu ý, công tác lập, thẩm định quy hoạch cần tiếp tục đẩy nhanh và nâng cao chất lượng. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy công việc. Đời sống một bộ phận người dân khó khăn. Biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ tiếp tục diễn biến phức tạp… An ninh, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là tội phạm ma túy, tội phạm trên không gian mạng. Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ gặp nhiều thách thức.
Trong tháng 8 và những tháng cuối năm, Thủ tướng nêu rõ, dự báo tình hình sẽ khó khăn hơn, nhiều vấn đề chưa lường hết được, trong đó lưu ý tình hình thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp; song phải kiên trì, kiên định, tập trung thực hiện các mục tiêu tổng quát đã đề ra theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ.
Do vậy. cần tiếp tục bám sát thực tiễn, tăng cường phân tích, dự báo tình hình để có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, chuẩn bị kỹ các phương án, kịch bản, giải pháp ứng phó, dứt khoát không để bị động, bất ngờ; chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, có giải pháp đúng và trúng để tập trung thực hiện hiệu quả với tinh thần tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, kiên trì, bền bỉ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; phát huy đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả.
Trọng tâm chỉ đạo, điều hành là ưu tiên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao đời sống cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh công tác đối ngoại, nhất là với các nước lớn.
|
|
Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Ảnh:VGP |
Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát lại cơ chế, chính sách, có giải pháp cụ thể, phù hợp để tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng.
Tập trung nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế, quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, phân cấp, phân quyền, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh chuyển đổi số phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, triển khai Đề án 06.
Thủ tướng cũng yêu cầu phát huy vai trò của 2 tổ công tác, gồm: Tổ công tác xây dựng báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và nhiệm vụ, kế hoạch năm 2024 do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ phó; Tổ công tác rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành làm Tổ phó…
Cùng với đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân trong bối cảnh lạm phát giảm dần; đồng thời, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và và bảo đảm các cân đối lớn.
Rà soát, thúc đẩy triển khai chương trình phục hồi và phát triển, phân bổ, điều chỉnh, giải ngân vốn đầu tư công. Rà soát, thúc đẩy, có báo cáo hằng quý để giải ngân các gói tín dụng 40.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất, 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội và 15.000 tỉ đồng cho ngành sản xuất đồ gỗ, thủy sản theo tinh thần kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt.
Thúc đẩy tiến độ, bảo đảm chất lượng công tác quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, phấn đấu cơ bản hoàn thành công tác này trong năm 2023, nhất là quy hoạch 5 vùng kinh tế - xã hội còn lại. Tiếp tục tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài, các dự án thua lỗ, nhất là Dự án thép Thái Nguyên.
Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, nâng cao đời sống nhân dân, trong đó có giải pháp hiệu quả về lao động, việc làm, sớm đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động.
Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tổ chức tốt các hoạt động, sự kiện đối ngoại cấp cao; tiếp tục tăng cường quan hệ song phương và nâng tầm đối ngoại đa phương. Làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tăng cường thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, tuyên truyền về chủ trương, chính sách, kết quả kinh tế - xã hội, những mô hình hay, cách làm mới, kinh nghiệm quý để củng cố niềm tin và tạo đồng thuận xã hội; tập trung đấu tranh, phản bác kịp thời, hiệu quả với thông tin sai sự thật, xấu, độc, các quan điểm sai trái, thù địch; xử lý nghiêm các vi phạm.
Giao nhiệm vụ cụ thể với các bộ ngành, địa phương, Thủ tướng lưu ý Bộ Tài chính chỉ đạo đẩy nhanh hoàn thuế VAT; tiếp tục xử lý thực chất, hiệu quả các tồn tại, bất cập của thị trường trái phiếu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực, đào tạo khoảng 30.000-50.000 kỹ sư và 100 chuyên gia về chuyển đổi số, sản xuất chip bán dẫn.
Bộ Giao thông vận tải khởi công bằng được Nhà ga Sân bay Long Thành trong tháng 8. Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành việc hướng dẫn định giá đất trước ngày 15/8. Bộ Y tế xử lý dứt điểm vấn đề liên quan các dự án xây dựng Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai cơ sở 2.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị tốt năm học mới, lưu ý bảo đảm đủ sách giáo khoa với giá phù hợp.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Chính phủ sẽ bố trí kinh phí cho chương trình này./.