Ngày 7/10, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1314/CĐ-TTg ngày 7/10/2021 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc phối hợp đưa, đón người dân có nhu cầu cần thiết, chính đáng được về quê an toàn, chu đáo.
|
|
Công điện yêu cầu cấc địa phương tổ chức đưa người dân về quê an toàn, chu đáo. |
Cụ thể, theo Công điện, trong mấy ngày qua, mặc dù các tỉnh, thành phố đã cố gắng để tổ chức đưa, đón an toàn nhưng do số lượng người dân có nhu cầu về quê cùng một thời điểm quá lớn, sự phối hợp giữa các địa phương chưa chủ động, nhịp nhàng nên đã gây ùn ứ tại các điểm kiểm soát dịch và nhiều người dân, trong đó có cả người già, trẻ em đã phải rất vất vả. Cá biệt có một số người dân tự ý rời khỏi địa phương nơi cư trú nhưng do quê ở rất xa nên dọc đường đi gặp nhiều rủi ro cho sức khỏe bản thân và có thể làm lây lan dịch bệnh.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp đưa, đón người dân phải được thực hiện nhanh, nhịp nhàng hơn, không để ùn ứ tại các điểm kiểm soát cửa ngõ.
Theo báo cáo của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, những ngày qua, mỗi tỉnh đã đón hàng chục nghìn người dân từ TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An...
Đáng nói, phần lớn người dân tự phát về quê là lao động tự do, một phần nhỏ là công nhân, qua xét nghiệm nhanh đã phát hiện những trường hợp nhiễm COVID-19. Chẳng hạn như: tỉnh An Giang, trong số 40.000 người trở về, qua xét nghiệm nhanh có 190 người nhiễm Sars-CoV-2, Kiên Giang 32.000 người thì có 122 người nhiễm...
Như vậy, có khoảng từ 0,1% đến 0,2% người mắc COVID-19 và nếu không kiểm soát được thì nguy cơ lây lan ra cộng đồng là rất cao.
|
Các địa phương tình hình dịch bệnh còn chưa được kiểm soát hoàn toàn nhưng đã dừng thực hiện Chỉ thị 16, tiếp tục tích cực vận động, thuyết phục người dân yên tâm ở lại gắn với hỗ trợ an sinh và thực hiện khôi phục sản xuất kinh doanh an toàn. Đối với những người vẫn muốn về quê, cần chủ động lập danh sách thông báo cho địa phương nơi đến và tổ chức đưa, đón đến tận nơi đến.
Đối với những người dân đã ra tới các chốt kiểm soát cửa ngõ của tỉnh, thành phố để về quê thì phải thực hiện ngay việc phân nhóm, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn dịch tễ, liên hệ với tỉnh, thành phố nơi đến và tổ chức đưa người dân đi. Bố trí phương tiện vận chuyển an toàn đối với những người không có phương tiện hoặc người già, phụ nữ có thai, trẻ em có nhu cầu.
Các tỉnh, thành phố dọc đường đi có trách nhiệm phối hợp đảm bảo giao thông thông suốt và có sự hỗ trợ, nếu cần thiết. Tỉnh, thành phố nơi đến có trách nhiệm đón, nhận, bàn giao và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch theo quy định.
Cũng theo Công điện, các tỉnh, thành phố nếu phát hiện có người dân tự phát từ vùng có dịch về quê đang đi qua địa phương mình thì cần chủ động hỗ trợ cần thiết, thông báo cho tỉnh, thành phố nơi đến và tổ chức đưa người dân di chuyển an toàn không để lây lan dịch bệnh. Bố trí phương tiện chuyên chở thuận lợi, nếu người dân không có phương tiện phù hợp.
Đối với Bộ Y tế, phân bổ ngay vắc xin sau khi tiếp nhận, ưu tiên sớm hơn cho các tỉnh có nhiều người dân từ vùng dịch về; hỗ trợ phương tiện, sinh phẩm xét nghiệm; hỗ trợ thuốc để các địa phương có người dân trở về xét nghiệm kịp thời, sẵn sàng điều trị khi có ca nhiễm COVID-19 mới. Căn cứ yêu cầu các địa phương, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng tăng cường, hỗ trợ nhân lực đảm bảo công tác phòng chống dịch.