Đây là một trong những yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5) với chủ đề "Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - động lực phát triển bền vững".
|
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5. Ảnh:VGP |
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn xác định phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Nền khoa học công nghệ đã có những đóng góp quan trọng, nổi bật trong mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước trên tất cả các lĩnh vực...
Việt Nam là quốc gia đạt tiến bộ và có tiềm năng lớn với giá trị ngày càng tăng về đổi mới sáng tạo, nhất là đối với thế hệ trẻ. Nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam ngày càng quan tâm, tập trung đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ thông qua các quỹ, viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm và các loại hình liên kết... Chỉ số đổi mới sáng tạo thuộc nhóm 50 quốc gia dẫn đầu thế giới.
Cùng với đó, đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ ngày càng lớn mạnh, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều nhà khoa học Việt Nam, trong đó có các nhà khoa học nữ, khoa học trẻ đã có những nghiên cứu mang tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế. Thị trường khoa học, công nghệ đã được hình thành, bước đầu phát huy tác dụng và đạt một số kết quả tích cực…
Song cũng còn những hạn chế cần khắc phục như: khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển chưa tương xứng với tiềm nǎng và vị trí quốc sách hàng đầu; chưa thực sự trở thành động lực để thúc đẩy phát triển.
Tại Việt Nam, phát triển khoa học, công nghệ được xác định là quốc sách hàng đầu. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo theo quan điểm "...nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước...".
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trong một thế giới biến đổi nhanh, phức tạp và khó lường, cần nuôi dưỡng, phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; cần đội ngũ thầy cô giỏi, có tinh thần và nhiệt huyết nghiên cứu; đội ngũ các nhà khoa học giỏi làm việc trong các viện nghiên cứu, trường đại học; các kỹ sư, nhà công nghệ giỏi trong doanh nghiệp, các nhà quản lý khoa học giỏi để hoạch định các chính sách thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát huy hiệu quả nguồn lực các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài; cần có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh để phát triển.
|
|
Thủ tướng thăm các gian hàng giới thiệu sản phẩm khoa học công nghệ được ứng dụng trong công nghiệp, nông nghiệp. Ảnh:VGP |
Và để thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ 10 năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045, phải tiếp tục đổi mới tư duy và hành động một cách quyết liệt nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đặc biệt là, phát huy mạnh mẽ trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam, lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm một động lực tăng trưởng chủ yếu.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ một số quan điểm phát triển khoa học công nghệ. Theo đó, phát triển khoa học công nghệ phải phục vụ thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phải gắn liền với thực tiễn, tập trung giải quyết những vấn đề thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo của sự thành công. Nghiên cứu khoa học vừa phải tập trung vào những vấn đề, lĩnh vực cơ bản, nền tảng, mang tính lý thuyết, vừa phải giải quyết những nút thắt mà thực tế đặt ra; đồng thời có tính định hướng, dẫn dắt cho sự phát triển của sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, bám sát các xu hướng của thế giới, phát triển khoa học công nghệ cả chiều rộng và chiều sâu, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số lĩnh vực đặc thù, có thế mạnh của Việt Nam để bứt phá, tạo sự khác biệt, đi tiên phong trong khu vực và thế giới.
Nguồn lực con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực thúc đầy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đầu tư cho nhân lực khoa học và công nghệ là đầu tư cho phát triển bền vững, trực tiếp nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc.
Khuyến khích phong trào nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo ở tất cả các lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, không phân biệt khu vực miền xuôi hay miền núi, biên giới, hải đảo, bất kể người Việt Nam trong nước hay ở nước ngoài.
Về các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu cần nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, các ngành trong chỉ đạo phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp, tạo sự đột phá trong ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ trong bối cảnh cạnh tranh khắc nghiệt như hiện nay.
Đặc biệt, có cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro, thất bại trong khoa học; dỡ bỏ các rào cản hành chính trong quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học. Tạo dựng khuôn khổ pháp lý triển khai các cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù đối với các loại hình, mô hình kinh tế mới dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, thu hút tối đa các nguồn lực nhà nước và xã hội cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; xác định đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là đầu tư cho phát triển; lấy đầu tư công dẫn dắt, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư tư cho khoa học công nghệ. Tạo sự đột phá trong ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, dịch vụ công.
Tăng cường thu hút sự tham gia tích cực của các nhà khoa học nhằm giải quyết những nút thắt, điểm nghẽn phát triển kinh tế- xã hội đất nước. Tạo thuận lợi cho nghiên cứu, chuyển giao kết quả khoa học công nghệ phù hợp với cơ chế thị trường; bảo đảm môi trường tự do học thuật và tự chủ trong nghiên cứu.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất, triển khai các chế độ, chính sách đãi ngộ vượt trội cho đội ngũ khoa học công nghệ; khơi dậy niềm đam mê, khát vọng cống hiến, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khuyến khích sự dấn thân, dám đối diện với rủi ro trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ. Nghiên cứu, áp dụng cơ chế sử dụng nguồn vốn nhà nước để đầu tư mạo hiểm cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Các doanh nghiệp cần coi hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong các yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh. Quan tâm, khuyến khích để người lao động không ngừng cải tiến, sáng tạo trong lao động. Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và hấp thụ công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh.
Về phía các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu về khoa học công nghệ, các cơ quan truyền thông, cần tăng cường thời lượng tuyên truyền về các mô hình hoạt động khoa học và công nghệ thành công, các sáng kiến hay được ứng dụng hiệu quả vào sản xuất, kinh doanh để khích lệ, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các ý tưởng, sáng kiến phát triển khoa học công nghệ. Thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần quốc gia học tập, quốc gia khởi nghiệp, quốc gia đổi mới sáng tạo, không ngừng đổi mới sáng tạo…
Thủ tướng tin tưởng, với ý chí, quyết tâm và sự nỗ lực của mình, ngành khoa học và công nghệ sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy truyền thống tốt đẹp và những kết quả đạt được trong những năm qua để có những đóng góp ngày càng quan trọng, thiết thực, hiệu quả hơn, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, mang lại ấm no và hạnh phúc cho nhân dân.