Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh vấn đề này Hội nghị "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập" diễn ra chiều nay (23/9).

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu nâng cao nhận thức về thị trường KHCN. Ảnh:VGP

Tại Hội nghị, các ý kiến tại hội nghị cho rằng, thị trường KHCN nước ta đã có bước phát triển và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, thể chế, chính sách phát triển thị trường KHCN từng bước được hoàn thiện. Nguồn cung hàng hoá KHCN tăng đáng kể. Tốc độ tăng giá trị giao dịch hàng hoá KHCN trên thị trường bình quân hằng năm đạt 22%.

Kết quả nghiên cứu của các viện, trường, nhà khoa học trở thành hàng hóa được các doanh nghiệp, thị trường đón nhận. Nhu cầu và năng lực tiếp cận, hấp thụ và làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp ngày càng tăng và được cải thiện.

Các đầu mối trung gian thị trường KHCN từng bước được hình thành với hơn 800 tổ chức, trong đó hơn 20 sàn giao dịch công nghệ đã đi vào hoạt động. Công tác xúc tiến thị trường KHCN tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh.

Song, so với nhu cầu thực tiễn và các thị trường khác, đặc biệt là so với các nước phát triển và một số nước trong khu vực, thị trường KHCN còn chậm phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc, nhiều nơi còn hình thức, thiếu thực chất…Việc liên kết thị trường KHCN Việt Nam với thị trường quốc tế chưa được quan tâm đúng mức; chưa phát huy tiềm năng "chất xám" và quan hệ của đội ngũ các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thị trường KHCN là một bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Phát triển thị trường KHCN phải lấy khoa học là nền tảng, nhà khoa học là động lực, doanh nghiệp là trung tâm, phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Huy động tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân và hợp tác quốc tế, đẩy nhanh tốc độ đổi mới sản phẩm và dịch vụ có độ tích hợp cao về công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhanh chóng gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu và chiếm lĩnh thị trường quốc tế.

 
leftcenterrightdel
 Các đại biểu cho rằng, thị trường KHCN nước ta đã có bước phát triển và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Ảnh:VGP

Phát triển của thị trường KHCN cần có chính sách đồng bộ, phù hợp, sự sẵn sàng của các nguồn cung cầu công nghệ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại cùng năng lực, uy tín và thương hiệu của các tổ chức trung gian.

Bên cạnh đó, cần được đặt trong bối cảnh và mối quan hệ biện chứng, liên thông, đồng bộ với phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động, tài chính và các thị trường khác; gắn kết thị trường trong nước với thị trường toàn cầu và khu vực, phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế…

Về các nhiệm vụ, giải pháp, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu: cần nâng cao nhận thức về thị trường KHCN. Tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách để thị trường KHCN phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập theo đúng tinh thần Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ.

Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương xây dựng và lồng ghép kế hoạch phát triển thị trường KHCN vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội  5 năm và hàng năm.

Triển khai hiệu quả 2 mục tiêu lớn và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Chương trình Phát triển thị trường KHCN quốc gia đến năm 2030 theo Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó:

Cùng với đó, thúc đẩy phát triển nguồn cung và cầu của thị trường KHCN, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp và viện nghiên cứu, trường đại học. Đẩy mạnh kết nối cung cầu, người mua và người bán, sản xuất và tiêu dùng.

Nâng cao năng lực hoạt động các tổ chức trung gian, nhất là các tổ chức lớn, đa ngành và gắn với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian thuộc khu vực tư nhân. Phát triển mạnh mạng lưới tổ chức trung gian trên cơ sở kết nối các sàn giao dịch công nghệ, các tổ chức dịch vụ KHCN tại các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp với các trung tâm ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN.

Đầu tư phát triển các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại một số thành phố lớn và khu vực kinh tế trọng điểm đã được quy hoạch phê duyệt liên thông với hệ thống các trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ của các tỉnh, thành phố, kết nối với các sàn giao dịch công nghệ khu vực và thế giới.

Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường KHCN. Từng bước liên thông, tích hợp với các nền tảng kỹ thuật số về thị trường KHCN trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, đẩy mạnh kết nối liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường KHCN với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động và tài chính. Đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động nguồn lực xã hội trong phát triển thị trường KHCN.

Đồng thời, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ lõi thông qua các viện nghiên cứu, trường đại học để giải mã, hấp thụ và làm chủ công nghệ, đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

Xây dựng chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, xây dựng, chia sẻ cơ sở dữ liệu lớn để phát triển trí tuệ nhân tạo. Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái KHCN, thị trường KHCN đồng bộ, toàn diện hơn nữa.

Thủ tướng cũng tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; quyết tâm, nỗ lực cao của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung tay, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và đồng bào trong và ngoài nước; sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của các quốc gia, tổ chức, cá nhân nước ngoài, thị trường KHCN nói riêng và nền KHCN nói chung của nước ta sẽ có những bước phát triển mới, thiết thực, hiệu quả hơn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nguyễn Anh