Về dự lễ kỷ niệm có đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương và nhiều cán bộ cao cấp nguyên giữ các chức vụ quan trọng các bộ, ngành.
|
|
Các đại biểu dự buổi Lễ (ảnh PV) |
Phat biểu tại buổi lễ đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nêu rõ: Sau sự kiện trọng đại Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Thanh Hóa là một trong số ít địa phương có vinh dự lớn khi thành lập đảng bộ từ rất sớm.
Trải qua quá trình chuẩn bị công phu về mọi mặt, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, trên địa bàn tỉnh, các tổ chức cộng sản liên tiếp được thành lập, ngày 25/6/1930, tại làng Hàm Hạ, xã Đông Tiến (nay thuộc thị trấn Rừng Thông), huyện Đông Sơn, chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa ra đời.
Ngày 10/7/1930, chi bộ cộng sản thứ hai ra đời tại làng Phúc Lộc, xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hóa. Đến ngày 22/7/1930 tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, chi bộ cộng sản thứ ba ra đời.
Để thống nhất lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh, ngày 29/7/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp, hội nghị hợp nhất 3 chi bộ Đảng Cộng sản để thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá được tổ chức tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân.
Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đánh dấu bước ngoặt trọng đại đối với con đường phát triển đi lên của tỉnh nhà. Từ đây, mỗi bước thăng trầm của phong trào cách mạng trong tỉnh đều gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, gắn liền với phong trào cách mạng của cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
|
|
Đ/c Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại buổi lễ (ảnh: PV) |
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ đã lãnh đạo quân và dân các dân tộc trong tỉnh vừa đánh trả các cuộc tấn công, càn quét của địch, vừa xây dựng hậu phương vững mạnh cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa - xã hội và được xem là “Thủ đô văn hóa kháng chiến”. Tỉnh đã huy động cao nhất sức người, sức của, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, được Bác Hồ khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.
Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy hy sinh gian khổ và ác liệt, Thanh Hóa là một trong những địa phương của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chịu sự đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết một lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất, kiến thiết kinh tế - xã hội, trực tiếp chiến đấu, ra sức chi viện lớn nhất cho miền Nam ruột thịt. Với tinh thần “Mỗi người làm việc bằng hai”, nhân dân Thanh Hóa đã tích cực lao động sản xuất, chắt chiu từng hạt gạo, từng tấm vải, từng cân lương thực, thực phẩm gửi ra chiến trường; anh dũng bám đất, bám làng, phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực đánh trả quyết liệt các đợt tập kích của đế quốc Mỹ, bảo vệ thành quả xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã được Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất; lực lượng vũ trang tỉnh được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 4.610 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 219 tập thể, 98 cá nhân được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động.
Trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu, năng động, sáng tạo, phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Đặc biệt, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Thanh Hóa kinh tế tăng trưởng nhanh và đột phá. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,5%, gấp 1,54 lần so với giai đoạn 2011-2015, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước.
Đáng nói, ngay sau khi Chính phủ công bố hết giãn cách xã hội, Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên của cả nước tổ chức rất thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư vào địa bàn, với 19 dự án có tổng mức đầu tư 2,5 tỉ USD được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư, 15 dự án với tổng mức đầu tư 12,5 tỉ USD được ký Biên bản ghi nhớ đầu tư…