leftcenterrightdel
 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh:VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh điều này tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với chủ đề "Vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển" diễn ra sáng nay (17/9).

Người đứng đầu Chính phủ cho hay, Việt Nam nhất quán và khẳng định quan điểm coi khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động. 

Thời gian qua, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. 

"Thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam, góp phần đề cao của chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế, chung tay, chúng sức đồng lòng, vì một Trái đất yên bình và xanh, vì một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, không để ai lại phía sau"- Thủ tướng nói.  

Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Quy mô nền kinh tế Việt Nam tăng từ khoảng 4 tỉ USD khi bắt đầu đổi mới lên khoảng 400 tỉ USD trong năm nay. Thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.

Theo Thủ tướng, để các nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh, bảo tồn vốn và có lợi nhuận, trên tinh thần cùng thắng, Việt Nam đã và đang: Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự xã hội, an ninh, an toàn, an dân; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ động, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, quyết định lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá; tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng kết cấu hạ tầng).

leftcenterrightdel
 Thủ tướng khẳng định: Việt Nam tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh:VGP

Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, Việt Nam ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành hài hòa, hợp lý, hiệu quả, hỗ trợ lẫn nhau giữa các chính sách tiền tệ - tài khóa; triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội với quy mô 340 nghìn tỉ - khoảng 4%GDP, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, minh bạch.

Thủ tướng cho biết, 8 tháng qua, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhìn chung có lạm phát cao và tăng trưởng thấp, thì Việt Nam đạt được những kết quả khá tích cực, lạm phát được kiểm soát và tăng trưởng có xu hướng cao, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm.

Thủ tướng cũng khẳng định, Việt Nam tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam "với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm"; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Đồng thời, Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD, đó là: giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình; hợp tác thân thiện, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau, cùng giải quyết các khó khăn, thách thức.

Đối với đầu tư nước ngoài, Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Đồng thời, ưu tiên thu hút các dự án: thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần hợp tác cùng có lợi, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam; phục hồi sản xuất kinh doanh, tiến tới mở rộng đầu tư; chia sẻ, cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, thách thức của Việt Nam là một nước đang phát triển, còn nhiều khó khăn.

Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên đầu tư với lợi ích nhà nước và nhân dân trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Nghiêm túc tuân thủ luật pháp, điều kiện về phát triển bền vững và các quy định về an ninh – quốc phòng. Đề cao trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường; chú trọng tạo việc làm, sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người lao động; làm tốt công tác an sinh xã hội.

Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng, áp dụng những mô hình quản lý mới, thực hiện đổi mới mô hình hướng tới kinh doanh xanh, công nghệ xanh và phát triển bền vững. Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển; đầu tư vào những lĩnh vực, ngành nghề mới có giá trị gia tăng cao; công nghệ kỹ thuật, khoa học hiện đại.

Một lần nữa, Thủ tướng khẳng định: khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.

Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh hiệu quả, thành công và bền vững tại Việt Nam với tinh thần "vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển".

Minh Nhật