Vùng giáp ranh 3 huyện An Lão (Bình Định), Ba Tơ (Quảng Ngãi) và Kbang (Gia Lai) hiểm trở, đi lại khó khăn, dân cư chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống nên nhận thức pháp luật của bà con còn hạn chế, trong đời sống cộng đồng còn một số hủ tục lạc hậu. Những năm gần đây nạn xâm canh, xâm cư, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép… làm cho tình hình ANTT khu vực này phức tạp hơn.

 


Để tình hình ANTT được giữ vững, góp phần phát triển KT-XH của địa phương, CA 3 huyện đã thực hiện quy chế phối hợp công tác tích cực, chặt chẽ và hiệu quả. Ngoài tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 09 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân BVANTQ trong tình hình mới”, xây dựng nhiều đề án về giải quyết vấn nạn tự tử, nghi cầm đồ thuốc độc, CA 3 huyện còn tranh thủ lực lượng CA xã, các vị già làng có uy tín làm nòng cốt cho phong trào ở địa phương, tăng cường trao đổi thông tin cho nhau. Khi xảy ra các vụ tranh chấp đất rừng, xâm canh, xâm cư, phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản trái phép, các tin báo tội phạm, các vụ nghi kỵ dẫn đến mâu thuẫn trong dân, CA 3 huyện đều kịp thời phối hợp, giải quyết nhanh chóng, không để xảy ra điểm nóng. CA huyện còn tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo cho các cấp ủy đảng, phân công các cơ quan, đơn vị tổ chức kết nghĩa với các thôn đặc biệt khó khăn để giúp đỡ bà con về đời sống vật chất, tinh thần, phục vụ tốt cho phát động phong trào “Thôn, xã không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Thôn, xã an toàn về ANTT”.

Các xã giáp ranh cũng đã có nhiều hoạt động phối hợp cùng nhau giải quyết các vấn đề nóng trên địa bàn. Chẳng hạn, thời gian qua xã An Hưng (huyện An Lão) và xã giáp ranh Ba Trang (thuộc huyện Ba Tơ) vận động bà con hai xã giao nộp hơn 10 khẩu súng tự chế để săn bắt thú rừng. Tương tự, xã Ba Lé (huyện Ba Tơ) thường xuyên phối hợp với xã An Vinh (huyện An Lão) trao đổi thông tin tình hình về các đối tượng cư trú khai thác lâm sản trái phép để chủ động trong công tác truy quét.

Theo thống kê, từ giữa tháng 6.2013 đến nay, CA 3 huyện đã giải quyết 29 vụ việc có liên quan đến vùng giáp ranh, trong đó đã khởi tố 8 vụ-13 bị can, vận động nhân dân giao nộp 27 khẩu súng các loại. Riêng CA huyện An Lão đã phối hợp với các đơn vị chức năng trong huyện và CA huyện giáp ranh tổ chức 159 lượt truy quét các đối tượng khai thác lâm sản trái phép, thu giữ 106,5m3 gỗ các loại, 7 máy cưa, 42 xe mô tô, phá hủy 16 lò than.

Tuy nhiên, theo Thượng tá Nguyễn Văn Minh, Trưởng CA huyện Kbang, khu vực giáp ranh có nhiều khu rừng đặc dụng với nhiều loài gỗ quý và  lâm sản có giá trị nên rất nhiều người từ các tỉnh khác đổ về đây khai thác. Điều này không chỉ làm tài nguyên rừng bị tàn phá mà còn gây mất ANTT nghiêm trọng. Hiện nay, vẫn còn nhiều nhóm khai thác rừng trái phép trong khu vực rừng đệm nhưng việc truy quét, đẩy đuổi gặp không ít khó khăn. Theo ông Bùi Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện An Lão, việc thực hiện quy chế phối hợp cần phải được sự chỉ đạo của UBND 3 huyện thì mới huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, các ban, ngành thì mới mang lại  hiệu quả, đảm bảo cho vùng giáp ranh được an toàn hơn.

 

Theo Báo Bình Định

.