Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết,  tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Ngay sau kỳ họp, thực hiện nhiệm vụ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp với TAND tối cao và các cơ quan hữu quan tích cực nghiên cứu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện một bước dự thảo Luật.

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu.

Đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo tán thành việc mở rộng phạm vi hoạt động của Hòa giải viên. Theo đó, ngoài hoạt động tại Tòa án nơi Hòa giải viên được bổ nhiệm, Hòa giải viên có thể hoạt động tại Tòa án khác nhưng phải trong phạm vi địa giới hành chính của Tòa án cấp tỉnh. Quy định như vậy tạo điều kiện tốt hơn để đương sự lựa chọn được Hòa giải viên mà họ tín nhiệm. yêu cầu công việc.

 Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến đề nghị cân nhắc nên giữ lại như quy định của dự thảo Luật đã được TAND tối cao trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Theo đó, các bên được lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính.

Về chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Dự thảo Luật không quy định việc Nhà nước thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án đối với các đương sự. Thường trực Ủy ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo nhận thấy, do đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới. Vì vậy trước mắt Nhà nước chưa nên thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án để khuyến khích người dân lựa chọn.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Phiên họp.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng: Đa số các trường hợp Nhà nước không thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Nhà nước chỉ thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án với 3 trường hợp: Pháp nhân, cá nhân nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại; Chi phí phát sinh khi tiến hành hòa giải, đối thoại trong trường hợp các bên thống nhất hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài. Vì đây là những hoạt động phát sinh lợi nhuận hoặc thường là các khoản chi lớn, các bên có trách nhiệm chia sẻ một phần để giảm chi cho ngân sách Nhà nước. Mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp do Chính phủ quy định chi tiết.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho ý kiến.

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng vấn đề phạm vi hoạt động của Hòa giải viên là vấn đề mới, nếu mở rộng phạm vi hoạt động thì phải cân nhắc kỹ vì chưa có thực tiễn và đánh giá tác động cụ thể; đồng thời chưa nên đặt vấn đề về thu phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án và cần đơn giản hóa các trình tự, thủ tục trong công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án đảm bảo sự phù hợp, thuận lợi cho người dân.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung về một số vấn đề lớn trong báo cáo của Ủy ban tư pháp. Riêng vấn đề về mở rộng phạm vi hoạt động của Hòa giải viên cần xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng. Đề nghị Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến tại Phiên họp để hoàn chỉnh dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến./.

Xuân Hưng