(BVPL) - Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 12/2014, cả nước có 838 cơ quan báo chí in với 1.111 ấn phẩm báo chí; 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương; 90 báo và tạp chí điện tử, 215 trang tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí; có gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ và khoảng 5.000 phóng viên đang hoạt động báo chí nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo đang hoạt động trên khắp mọi vùng miền của Tổ quốc và ở nước ngoài.
|
|
Do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nên nguồn thu từ quảng cáo của các cơ quan báo chí, đặc biệt là báo in, giảm đáng kể; mặt khác, do nguồn ngân sách hạn hẹp nên các đơn vị, cơ quan báo chí phải vừa đảm bảo hoạt động chuyên môn chính trị, vừa phải khắc phục khó khăn trang trải chi phí. Dẫn tới, một số cơ quan báo chí chạy theo lợi nhuận, không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích. Sự cạnh tranh về tốc độ đưa tin giữa các trang thông tin điện tử tạo sức ép khiến các trang tin nhiều khi vì đưa tin nhanh mà thiếu sự kiểm chứng, tạo dư luận không tốt.
Trong năm 2014, công tác thanh tra được tăng cường, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Bộ đã đẩy mạnh công tác rà soát, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với một số cơ quan báo chí, xuất bản có biểu hiện chệch hướng về đường lối, mắc sai phạm nghiêm trọng có tính hệ thống. Thanh tra Bộ đã thanh tra việc chấp hành pháp luật tại 57 tổ chức, doanh nghiệp; thanh tra hành chính 16 đơn vị; phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ tiến hành 12 cuộc thanh tra; ban hành 125 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt gần 3,8 tỉ đồng.
Trong năm 2014, Thanh tra, Cục Báo chí, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) đã xử phạt vi phạm hành chính một số cơ quan báo chí, xuất bản, thông tin điện tử với tổng số tiền 2,522 tỷ đồng. Cụ thể, trong lĩnh vực báo chí, có tổng số 68 trường hợp bị xử phạt với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng; xuất bản có 9 trường hợp bị xử phạt với 166 triệu đồng; thông tin điện tử là 31 trường hợp bị xử phạt với hơn 850 triệu đồng.
Ngoài việc xử phạt nặng, đã có một mạng xã hội bị thu hồi giấy phép vĩnh viễn, một tờ báo và một trang thông tin điện tử bị đình bản ba tháng, tịch thu bảy tên miền… Lỗi vi phạm chủ yếu được nêu ra là đăng thông tin sai sự thật, vi phạm thuần phong mỹ tục, cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến chưa được cấp phép, vi phạm về quảng cáo… Cơ quan chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã thu hồi 80 thẻ nhà báo, trong đó có 75 trường hợp do cơ quan báo chí giải thể và 5 trường hợp còn lại là do vi phạm. Trong lĩnh vực xuất bản, một số đơn vị không thực hiện đúng các quy định về hoạt động liên kết, khoán trắng cho đối tác liên kết nên đã để xảy ra sai phạm.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hoàn thiện dự thảo Luật Báo chí; Chỉ thị của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới; Nghị định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình; Quy hoạch phát triển hệ thống thông tin truyền thông cơ sở đến năm 2020. Đặc biệt, sẽ tăng cường phổ biến Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin thiếu chính xác, tạo dư luận không tốt.
Hà Nhân