Sẽ có Luật An toàn thông tin
Cập nhật lúc 10:13, Thứ năm, 16/04/2015 (GMT+7)
(BVPL) - Hiện trạng sử dụng internet tại Việt Nam và những nguy cơ bảo mật mới đang đặt ra những yêu cầu hết sức cấp thiết cho công tác bảo đảm an toàn thông tin (ATTT), đặc biệt là vấn đề bảo mật thông tin và dữ liệu của các tổ chức, cá nhân.
Tổn thất 8.500 tỷ do sự cố từ mã độc máy tính
Cuối năm 2014, một loạt các website lớn của Công ty cổ phần truyền thông Việt Nam VCCorp như Kenh14, Gamek, Genk, CafeF và một số báo điện tử do VCCorp hợp tác vận hành kỹ thuật như báo Dân Trí, Soha, Người Lao Động… bị “chết cứng” không thể truy cập được. Đáng chú ý, sự cố kéo dài mới khắc phục được hoàn toàn, gây thiệt hại cho VCCorp hàng chục tỷ đồng.
Tính toán của Bkav cho biết năm qua, người dùng Việt Nam bị tổn thất 8.500 tỷ đồng do các sự cố từ virus, mã độc máy tính trong năm 2014. Với ít nhất 6,98 triệu máy tính đang được sử dụng trên cả nước, bình quân mỗi người sử dụng máy tính tại Việt Nam đã bị thiệt hại 1.230.000 đồng.
Theo số liệu từ các đơn vị an ninh mạng đã thống kê, trong năm qua có rất nhiều sự mất mát dữ liệu, không chỉ các tổ chức nhỏ mà đến cả các tập đoàn, chính phủ. Ở thời đại số, tất cả các thiết bị kết nối mạng đều có thể đứng trước nguy cơ bị tin tặc tấn công. Báo cáo tổng kết của hãng bảo mật danh tiếng Kaspersky cho hay, năm 2014, Việt Nam đứng thứ 6 trên toàn thế giới về số người dùng thiết bị di động bị mã độc tấn công. Tại nước ta có gần 50% số người dùng có nguy cơ nhiễm mã độc khi sử dụng Internet trên máy tính và gần 70% người dùng máy tính dễ bị nhiễm mã độc, phần mềm độc hại cục bộ (qua USB, thẻ nhớ,…). Theo ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Bkav: Điện thoại di động cũng đối mặt với những nguy cơ mà khi sử dụng máy tính chúng ta gặp phải như nguy cơ bị tấn công mã độc để lấy mất tài khoản và ngoài ra hiện nay xuất hiện thêm mã độc lây nhiễm cả thiết bị máy tính với thiết bị di động thì nguy cơ ngày càng cao hơn.
Vẫn thờ ơ với... bảo mật thông tin
Các chuyên gia trong lĩnh vực tiết lộ thực tế, phần lớn chúng ta còn quá thờ ơ với những nguy cơ này. Bằng chứng là phần lớn các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam cho phép dùng thiết bị cá nhân như điện thoại di động và máy tính bảng truy cập vào mạng lưới tại nơi làm việc nhưng có tới 74% trong số thiết bị không hề sử dụng bất kỳ biện pháp bảo mật thông tin nào. Vấn đề mất an toàn, an ninh thông tin đang đặt ra thách thức nặng nề cho các lãnh đạo CNTT trong việc củng cố bảo mật.
Theo các cơ quan quản lý, ngoài việc xây dựng hệ thống hành lang pháp lý thì việc nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về an ninh mạng phải được coi trọng. Ông Nguyễn Minh Hồng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông cho biết: “Chúng tôi đang có kế hoạch tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn thông tin và đây là một nội dung hết sức quan trọng bên cạnh những nội dung khác, hy vọng trong thời gian tới sẽ giúp cho cộng đồng nâng cao nhận thức về vấn đề này”.
Hiện cả nước có hơn 30 triệu người thường xuyên sử dụng Internet. Công nghệ thông tin đã tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống. Nếu vấn đề an ninh, an toàn thông tin không được nhìn nhận sâu sắc, không có những phương án cụ thể để giảm thiểu nguy cơ bị tấn công, khi đó, hậu quả sẽ rất nặng nề.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, vấn đề ATTT là một trong những thách thức lớn nhất trong thế giới hiện đại. Nhiều chuyên gia đề cập đến sự phát triển hạ tầng công nghệ an ninh bảo mật, các giải pháp và ứng dụng mới nhất nhằm nâng cao nhận thức cảnh báo và khắc phục các vấn đề ATTT. Được biết, Dự thảo Luật ATTT đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp và sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp vào tháng 5 tới. Nếu được Quốc hội thông qua thì từ năm 2016, chúng ta sẽ có luật riêng về ATTT.
Hà Nhân
.