Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 44, sáng 27/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.
Báo cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ: Còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em; đồng thời công tác theo dõi, thống kê tình hình trẻ em bị xâm hại chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến, số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình thực tế.
Qua khảo sát tại địa phương cho thấy, hầu hết trẻ em phải tham gia lao động sớm đều có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn; mục đích tham gia lao động để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình, được gia đình đồng thuận; chính quyền địa phương gặp khó khăn trong việc đưa các em trở về nhà; việc xử lý hành vi môi giới, sử dụng, bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật chưa nghiêm; do đó, tình trạng này chưa được ngăn chặn hiệu quả.
Đối với các trường hợp tảo hôn chủ yếu ở một số vùng dân tộc thiểu số nơi nhiều người dân vẫn còn tập tục lạc hậu, nhận thức pháp luật còn hạn chế, cần phải có lộ trình và nhiều giải pháp đồng bộ để khắc phục.
|
|
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp. |
Thời gian qua, công tác xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em được quan tâm và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em và 18 luật, bộ luật liên quan đến trẻ em; Chính phủ sửa đổi và ban hành mới 12 Nghị định, Thủ tướng ban hành 3 chỉ thị và 15 quyết định; TAND tối cao, VKSND tối cao và các bộ đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng.
Tuy nhiên, còn có những quy định của Luật Trẻ em và các luật có liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em chậm được hướng dẫn. Một số chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong các Nghị định về lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình; bảo vệ, chăm sóc trẻ em không còn phù hợp với thực tiễn, mức xử phạt còn nhẹ, không bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa chung, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Quy định về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu.
Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Đoàn giám sát đã chỉ ra được kết quả đạt được và những tồn tại hạn chế trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; Công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại trẻ em; Công tác tổ chức, cán bộ, bảo đảm kinh phí phòng, chống xâm hại trẻ em…
Đoàn giám sát cũng xác định rõ trách nhiệm của những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, đó là: Một số bộ, ngành chưa thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được quy định trong Luật Trẻ em, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành chưa cao. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa tham mưu đầy đủ cho Chính phủ để có biện pháp kịp thời, quyết liệt chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế của các bộ, các địa phương trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ được Luật Trẻ em giao nhiều trách nhiệm trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, nhưng tại một số địa phương các tổ chức này chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm Luật giao. Chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống xâm hại trẻ em./.